QUÂN KHU 5, MẤY KINH NGHIỆM…
QUÂN KHU 5, MẤY KINH NGHIỆM…
Xác định công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) và bình đẳng giới (BĐG) là một nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tạo cơ hội thuận lợi để phụ nữ phát huy tốt, đóng góp xứng đáng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Trong số gần 1.800 nữ quân nhân và lao động nữ, 105 cán bộ có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, 16 thạc sĩ. Hầu hết các lĩnh vực công tác, loại hình đơn vị, trên các địa bàn đều có chị em tham gia. Kể cả những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Một bộ phận gia đình nữ quân nhân, người lao động còn khó khăn, chiếm gần 1% phụ nữ toàn Quân khu... Năm 2022, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo Ban VSTBCPN và BĐG các cấp, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, khắc phục hạn chế, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển.
Bám sát hướng dẫn của Ban VSTBCPN và BĐG Bộ Quốc phòng, Quân khu triển khai thực hiện nghiêm túc công tác VSTBCPN và BĐG. Ban hành quy chế hoạt động; củng cố, kiện toàn Ban VSTBCPN đúng quy định. Thực hiện kế hoạch hành động VSTBCPN và BĐG trong LLVT Quân khu (2021-2025) chặt chẽ, hiệu quả. Phát huy vai trò của Ban VSTBCPN các cấp trong tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác này phù hợp với tình hình các cơ quan, đơn vị. Tổ chức nhiều hoạt động phong phú, với mô hình phù hợp... Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức có bước đột phá rõ rệt, bắt đầu từ cấp ủy, chỉ huy, trong đó nam giới là đối tượng được quan tâm để góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của phụ nữ.
Chú trọng tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách có liên quan đến BĐG; hành động vì trẻ em; hành động phòng, chống bạo lực gia đình; hành động vì môi trường. Vận động cán bộ, hội viên tích cực rèn luyện, tham gia các phong trào, cuộc vận động; kịp thời khen thưởng, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác VSTBCPN và BĐG. Gắn chế độ chính sách vào các hoạt động liên quan đến phụ nữ, tạo điều kiện học tập; trao cơ hội để chị em được cống hiến và phát triển. Đây là biện pháp quan trọng để khuyến khích cán bộ, hội viên phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Các mô hình: “Phụ nữ giúp nhau một ngày công”, “Tổ nhóm tiết kiệm góp vốn quay vòng không tính lãi”, “Nuôi heo đất tiết kiệm”; các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”. “Nâng bước em đến trường”; “Áo ấm vì người nghèo”; đặc biệt mô hình “Làng phụ nữ 3 sạch” giúp người dân vùng biên giữ gìn vệ sinh tại gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, từ bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư... được Ban VSTBCPN và BĐG Bộ Quốc phòng đánh giá cao.
Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu VSTBCPN và BĐG, tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy; tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp phụ nữ LLVT Quân khu phát triển toàn diện. Cơ cấu, sử dụng cán bộ nữ với tỷ lệ phù hợp. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ nữ đi cơ sở để đủ điều kiện bổ nhiệm chức danh cao hơn. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của Ban VSTBCPN và BĐG các cấp trong đề xuất xây dựng, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến phụ nữ. Quan tâm các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là số đơn thân, hiếm muộn, chị em mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn về nhà ở, công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Có chính sách đặc thù để phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao; duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện phòng, ngừa bệnh tật để chị em đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, gia đình và cộng đồng.
Bài và ảnh: HỒNG VÂN