“VUA SÁNG KIẾN”
“VUA SÁNG KIẾN”
Thiếu tá, kỹ sư Nguyễn Thị Tâm, Khoa Trang bị (Khoa C10), Bệnh viện Quân y 4 (Cục Hậu cần Quân khu 4) có mặt dự lễ trao giải “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23” do Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội. Năm 2013, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự với quân hàm Trung úy, chị Tâm về nhận công tác tại Khoa C10, Bệnh viện Quân y 4. Là kỹ sư trẻ nhiệt tình, trách nhiệm, chị cùng các đồng nghiệp đúc rút kinh nghiệm công tác, bắt tay nghiên cứu: Sáng kiến “Bộ sấy nhiệt cho máy rửa phim Dongmum của máy X-quang”; “Mạch điều khiển bóng đèn tiêu điểm của máy X-quang”; “Bộ điều khiển, hiển thị nhiệt độ tủ cấy vi sinh”…
Khi được hỏi về những sáng kiến, cải tiến trên, chị Tâm cho biết mỗi ngày chị trực tiếp sửa chữa, khắc phục những hư hỏng bất thường của các trang bị máy móc trong bệnh viện, trong đó có các thiết bị lớn như máy chụp cắt lớp vi tính CT 16, máy MRI, máy xét nghiệm miễn dịch Siemen CP Centuar, máy xét nghiệm sinh hóa miễn dịch EXL 200, máy TYB40, máy X-quang kỹ thuật số… quá trình đó giúp nảy ra sáng kiến...
Nổi bật là sáng kiến “Máy hỗ trợ chẩn đoán bệnh động mạch ngoại vi bán tự động”, giúp bác sĩ phát hiện sớm các bệnh động mạch ngoại biên ở bệnh nhân với chi phí thấp, phương pháp tiến hành đơn giản nhưng mang lại hiệu quả, tiết kiệm thời gian gấp 4 lần phương pháp thủ công thông thường. Chị Tâm cho biết, hiện nay, trên thế giới và trong nước tỷ lệ số người mắc bệnh lý động mạch ngoại vi ngày càng cao, nhưng bệnh nhân thường không được phát hiện kịp thời. Khi phát hiện thường ở mức độ nặng và có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm, hoại tứ chi… Ở thời điểm hiện tại, phương pháp này đang được thực hiện thủ công, đo lần lượt huyết áp từng vị trí cổ chân, cánh tay, sau đó thông qua các chỉ số đo để xác định chỉ số ABI. Việc thực hiện như vậy dẫn đến kết quả thiếu chính xác. Từ đó, chị bắt tay nghiên cứu thiết kế máy hỗ trợ chẩn đoán này.
Cấu tạo của thiết bị gồm: 4 module huyết áp điện tử có màn hình hiển thị, 1 công tắc nút nhấn dùng để điều khiển chung cả 4 module, 1 module nguồn 6V DC 10A, 1 công tắc nguồn, 1 ắc quy 6V 10Ah, 4 băng quấn đo huyết áp, vỏ máy, dây nguồn. Sáng kiến giành giải Nhì giải thưởng Nguyễn Viết Xuân (Quân khu 4) và được giải Khuyến khích toàn quân.
Tiếp đến, sáng kiến “Tủ bảo quản mẫu di động” được cấu tạo đơn giản, hoạt động theo nguyên lý của Pentier, làm lạnh cho buồng bảo quản “mẫu” dưới sự kiểm soát nhiệt độ thông qua mạch điều khiển. Nhiệt độ trong buồng đựng “mẫu” từ 4-8 độ C phù hợp vận chuyển dược phẩm, vaccine, bảo quản mẫu máu, bệnh phẩm, sinh phẩm... góp phần nâng cao độ chính xác kết quả xét nghiệm, tiết kiệm kinh phí.
Trước đây Khoa Đông y của Bệnh viện thực hiện rửa thuốc trước khi sấy khô, để sắc, cấp phát... mất rất nhiều thời gian. Kỹ sư Nguyễn Thị Tâm đã nghiên cứu chế tạo “Máy rửa dược liệu”, hoạt động theo nguyên lý loại bỏ bụi bẩn, tạp chất bằng áp lực nước và sự ma sát giữa các thành phần thuốc với nhau trong quá trình đảo khuấy; sau đó sấy khô bằng gió và nhiệt thông qua cảm biến nhiệt... Sáng kiến làm giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng thuốc đông y, tiết kiệm...
Thượng tá Trương Quang Thắng - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 4, nhận xét: Là người được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn vững, Tâm luôn nhiệt tình, trách nhiệm cao. Thường xuyên học hỏi, hễ có thiết bị mới, hiện đại, thì nhanh chóng làm chủ để vận hành hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh viện. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia phong trào của Hội phụ nữ, công tác Đoàn, được mọi người tin yêu. Thường xuyên giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong đơn vị.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm cho biết, chị đang tìm hiểu để cải tiến hệ thống các kính hiển vi lắp camera kết nối với màn hình hoặc hệ thống máy vi tính, điện thoại... qua mạng Internet phục vụ cho công tác giảng dạy, hội chẩn trong giải phẫu bệnh lý.
Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU