column_right getExtensions 1715153578-1715153578

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1715153578-1715153578

THĂM CHA GIỮA TRƯỜNG SA

THĂM CHA GIỮA TRƯỜNG SA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:17-12-2023

THĂM CHA GIỮA TRƯỜNG SA

“Cha ơi con tới được đây rồi!”. 35 năm sau ngày liệt sĩ Lê Đình Thơ, một trong 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, lần đầu tiên, Thiếu tá QNCN Lê Thị Minh Thủy, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (Bộ Tham mưu Hải quân) mới thực hiện được tâm nguyện, đến Trường Sa, thăm nơi cha mình đã “hóa vào” vòng tròn bất tử...

Thiếu tá QNCN Lê Thị Minh Thủy tại lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa

Chị là con gái duy nhất của liệt sĩ Lê Đình Thơ. Khi ông hy sinh, Thủy mới được 1 tuổi 9 ngày. Những gì thuộc về cha, chị chỉ được thấy qua những tấm hình, qua lời kể của ông, bà và các cô chú đồng nghiệp của cha mẹ. Liệt sĩ Thơ quê ở Thanh Hóa, từng công tác ở Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển. Lúc cha đi công tác thì Thủy mới được vài tháng tuổi. Nghe tin cha hy sinh, mẹ Thủy quá đau buồn, đổ bệnh, 9 tháng sau, thì mẹ cũng “đi theo cha”…

Mới hơn một tuổi, Thủy mồ côi cả cha lẫn mẹ. Được ông bà ngoại ở Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội, nuôi dưỡng, đến 5 tuổi, cô bé về quê nội ở cho đến khi trưởng thành. Trong quá trình đó, Quân chủng Hải quân thường xuyên đồng hành, hỗ trợ gia đình chăm lo cho Thủy ăn học.

Khi lớn lên, muốn nối nghiệp cha, Thủy thi đỗ Trường Đại học Mỏ địa chất, học ngành trắc địa bản đồ và trở về làm việc tại đơn vị mà người cha từng công tác. Chị không ngừng nỗ lực học tập và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Năm 2022, Thiếu tá QNCN Lê Thị Minh Thủy được vinh danh là một trong 24 phụ nữ tiêu biểu của Quân chủng Hải quân; được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc...

Nhiều năm nay, Thủy vẫn mong được ra Trường Sa, thăm nơi cha mình đã chiến đấu, hy sinh. Nhưng rồi chị vẫn chưa thực hiện được ước nguyện của mình. Năm nay, đơn vị đã đề xuất với Quân chủng tạo điều kiện để Thủy được đến với Trường Sa.

Đồng hành cùng Thủy từ khi chuẩn bị hải trình, nên tôi được nghe kể nhiều nỗi niềm riêng, chứng kiến nhiều lần nước mắt lăn dài trên gương mặt chị. Đó là những đêm hồi hộp chờ mong đến ngày tàu rời cảng; rồi khi Thủy nhìn thấy di ảnh của cha và đồng đội tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và lúc đứng trước những tấm bia tưởng niệm trên các đảo...

Nghẹn ngào trước dòng tên người cha trên bia đá

Xúc động nhất là lúc đoàn làm lễ tưởng niệm trên biển. Trước đó, trời đổ mưa như trút nước, sóng dậy ầm ào. Vậy mà bỗng trời yên, biển lặng, mây đen dồn lại phía chân trời xa: “Trước mắt chúng ta là vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Nơi đây, ngày 14-3-1988, các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc...”.

Trong giờ phút thiêng liêng tưởng niệm cha và đồng đội, Thủy bật khóc nức nở, nghẹn ngào: “Cha ơi, con tới được đây rồi...”. Tiếng khóc, tiếng gọi cha dồn nén trong tâm khảm người con gái giữa trùng khơi đã khiến các thành viên đoàn công tác xúc động. Cùng với đó, lời bài hát: “Linh thiêng Việt Nam” được các nghệ sĩ của đoàn công tác cất lên đầy da diết: “Về đây các anh ơi! Hãy về đây...”.

Thủy cảm nhận được người cha của mình đang rất gần và ông hiểu những điều chị muốn nói. Thương cha vô hạn! Suốt ngần ấy năm, hẳn cha vẫn hằng mong mỏi được gặp con tại nơi này. Giờ đây, cha có thể mỉm cười mà khoe cùng đồng đội là con gái đến thăm cha rồi, cha nhé!

Thả xuống biển những con hạc giấy và những bông hoa, Thủy cầu mong cha mình cùng các đồng đội đã hy sinh anh dũng sẽ yên nghỉ ngàn thu và hướng về những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển, đảo quê hương. Thủy thầm hứa, con sẽ tiếp tục giấc mơ của cha, vẽ nên những tấm hải đồ biển, đảo Việt Nam.

Kết thúc lễ tưởng niệm, chị nhờ đồng đội lấy giúp một chút nước biển tại nơi này, để mang về đưa lên bàn thờ cha.

Khi lên những đảo có chùa, Thủy vào lễ Phật và bày tỏ tâm nguyện xin một chút cát sỏi ở Trường Sa để mang về. Cầm trên tay chiếc hũ mà sư thầy tặng và chiếc túi đựng cát sỏi nơi này, chị cảm thấy trân quý và biết ơn.

Trong vòng tay đồng đội

Hải trình đến với Trường Sa đã giúp Thiếu tá QNCN Lê Thị Minh Thủy hoàn thành được tâm nguyện cuộc đời mình. Chuyến đi thăm các đảo nổi, đảo chìm cũng có ý nghĩa thiết thực đối với nhiệm vụ biên tập hải đồ; giúp chị hiểu và cảm thông hơn với công việc của đồng đội, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân ngày đêm anh dũng, kiên cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài và ảnh: HOÀNG MAI

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:9
Trong ngày:2803
Trong tuần:11008
Trong tháng:11008
Cả năm:11008
Tổng lượt xem:11008