NGƯỜI SAY NGHỀ
NGƯỜI SAY NGHỀ
Sau một thời gian thử nghiệm, 11 giờ 30 phút ngày 19-5-2013, Thu Hoàn, phát thanh viên thời sự đầu tiên chính thức lên sóng kênh Quốc phòng Việt Nam (QPVN). 10 năm gắn bó, với chị có biết bao kỷ niệm, hồi hộp, âu lo và hạnh phúc.
Năm 2006, khi còn đang là sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, biết tin một kênh truyền hình tuyển chọn MC cho chương trình giới thiệu về những gương mặt các nghệ sĩ trẻ, Thu Hoàn nộp hồ sơ ứng tuyển. Trải qua 5 vòng thi từ phỏng vấn, thi thử, gặp gỡ ban biên tập… dẫu được chọn, nhưng khi vào việc, chị nhận thấy chưa ổn, nên dừng lại, tiếp tục học tập. Tuy vậy, nhìn các MC hay biên tập viên trên sóng truyền hình, chị âm thầm hoàn thiện bản thân để một ngày nào đó có thể tự tin đứng trước máy quay.
Tháng 3-2013, dẫu vừa sinh con được hơn tháng, nhưng biết kênh QPVN tuyển phát thanh viên, Thu Hoàn mạnh dạn gửi hồ sơ rồi đến phỏng vấn và được chọn chỉ sau một đúp lên hình. Phụ nữ thường dành toàn bộ thời gian sau 17 giờ hằng ngày cho gia đình thì Thu Hoàn lại bận chuẩn bị cho bản tin Thời sự Quốc phòng lên sóng trực tiếp lúc 20 giờ. Và chị thường trở về nhà khi đã khuya. Còn trực bản tin sáng, chị rời nhà lúc 1 giờ 30 phút để kịp ghi hình. Mỗi một bản tin cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ khâu lên vỏ, sắp xếp tin bài theo cấu trúc, thứ tự và sự liên kết. Ekip cũng phải đầu tư cả về mặt hình ảnh, lời dẫn và động tác máy quay để đạt hiệu quả tối đa. Thông thường mất từ 3 - 4 giờ cho mỗi bản tin.
Nhớ lần đầu lên sóng thời sự trực tiếp, Thu Hoàn căng thẳng không dám chớp mắt vì sợ lỗi thì sẽ không có cơ hội sửa chữa. Hơn tuần sau, chị mới thả lỏng được cơ thể khi thực hiện nhiệm vụ. Bản tin trực tiếp có rất nhiều phát sinh. Có thông tin đến giờ lên sóng mới thay đổi để đảm bảo tính kịp thời, chính xác; phát thanh viên phải bình tĩnh tiếp nhận văn bản và thể hiện chính xác nội dung. Đôi khi chỉ nhầm 1 - 2 từ, dẫn tới hiểu lầm, hoặc gây hậu quả khôn lường.
Nếu như vai trò là phát thanh viên thời sự đem lại nhiều trải nghiệm thú vị thì việc dẫn chương trình sự kiện giúp Thu Hoàn đi nhiều nơi, gặp nhiều người, khám phá văn hoá nhiều vùng miền cũng như hiểu hơn về lịch sử. Ở các sự kiện tầm quốc gia, với sự có mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là niềm vinh dự, song áp lực rất lớn. Nói đòi hỏi người dẫn phải tập trung cao độ, vừa phải uyển chuyển và xử lý linh hoạt. Khi dẫn chương trình ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khán giả là đồng bào dân tộc thiểu số, chị cảm nhận được sự chất phác, thật thà, hiếu khách của bà con.
Trong chuyến công tác đầu năm 2023 ở Thừa Thiên - Huế, Thu Hoàn đã chuẩn bị bộ áo dài để dẫn chương trình truyền hình trực tiếp “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, nhưng thực tế chị mang trang phục dân tộc Pa Ko để gần gũi với địa phương, với đồng bào vùng sâu. Thêm vào đó thời tiết không thuận, mưa liên miên, nếu mặc áo dài sẽ rất khó di chuyển. Trước ngày lên sóng, Thu Hoàn cùng một người địa phương đi xe máy khắp huyện A Lưới để nhờ chỉnh sửa trang phục. Kết quả là chị đã có một diện mạo chỉn chu và tự tin khi lên sóng, góp phần vào sự thành công của chương trình.
Khi trở về gia đình, Đại úy QNCN Trần Thị Thu Hoàn dành thời gian để đưa đón 2 con đến trường. May mắn được mẹ chồng hỗ trợ rất nhiều việc nhà, nhờ vậy, chị toàn tâm làm công việc mình yêu thích.
TUỆ ĐĂNG
Ảnh: NVCC