column_right getExtensions 1715177447-1715177447

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1715177447-1715177447

NGƯỜI NHÀ CỦA BÀ CON ĐAN LAI

NGƯỜI NHÀ CỦA BÀ CON ĐAN LAI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:07-12-2023

NGƯỜI NHÀ CỦA BÀ CON ĐAN LAI

Tháng 7-2018, sau 25 năm công tác ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, Trung tá QNCN Nguyễn Thị Trần Thanh lên nhận công tác ở Đồn Biên phòng Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ngày rời thành phố Vinh, có người tưởng chị “dở hơi". Bởi chị đang có một gia đình yên ấm, có việc làm ổn định. Nhưng mấy ai hiểu được lý do sâu xa đó là ước nguyện trong đời quân ngũ của chị. Khi con gái vào đại học cũng là lúc chị xách ba lô lên đường.

Trung tá QNCN Nguyễn Thị Trần Thanh

Ngày đầu về đồn, chị Thanh là nữ duy nhất giữa các đồng đội nam. Có chút bất tiện vì điều kiện cơ sở vật chất chỉ thiết kế phù hợp cho nam giới. Dù anh em động viên, nhưng chị thấy mình là nữ nên phải phải để ý từng chút một. Để cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, Đồn cũng tạo điều kiện cho chị Thanh về thăm nhà định kỳ hơn anh em khác.

Mỗi lần về, chị lại sắm sửa đủ thứ cho chồng và cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Nhưng trăn trở nhất là cô con gái đang học đại học ở Hà Nội, đòi hỏi người mẹ phải áp dụng “chiến thuật mềm dẻo” để xử trí các tình huống. Biến cố gia đình xảy đến khi năm 2020, mẹ của chị Thanh bị ung thư và qua đời. Đồng đội thấy Thanh trầm lặng, sợ chị bị trầm cảm, nên tìm cách động viên, chia sẻ giúp chị nguôi ngoai nỗi buồn. Nhờ vậy, chị sớm xốc lại tinh thần, bắt tay làm được nhiều việc hơn để giúp đỡ cho người dân ở miền tây xứ Nghệ.

Môn Sơn là nơi sinh sống của bà con dân tộc Thái và tộc người Đan Lai. Làm công tác vận động quần chúng, sâu sát đồng bào, chị Thanh trăn trở khi biết vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, kinh tế kém phát triển, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Vào bản tuyên truyền thì dễ nhưng để bà con tin thì khó hơn gấp bội. Muốn rút ngắn khoảng cách thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc. Nếu thực hiện được 4 cùng đó thì mọi việc trên địa bàn sẽ rất thuận lợi.

Trong công tác dân vận, nữ giới có ưu thế phát huy được khả năng riêng biệt của phụ nữ, dễ gần, dễ nắm bắt nguyện vọng của bà con. Khi đến nhà, chỉ cần ngồi quanh bếp thì bà con sẵn sàng trải lòng hết. Chị chia sẻ cho phụ nữ cách chế biến các món ăn ngon. Hay cách chỉ dẫn cho chị em gội đầu sao cho sạch sẽ thơm tho; sử dụng nước tiết kiệm mà hiệu quả. Tại các cuộc họp ở thôn bản, chị áp dụng phương pháp “nói ngắn, đúng trọng tâm”, lấy dẫn chứng cụ thể, giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ.

Hướng dẫn kỹ năng sống cho các thiếu nữ Đan Lai

5 năm gắn bó ở Đồn Biên phòng Môn Sơn, chị Thanh đã tham mưu các hoạt động phối hợp, triển khai mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” tại Trường THCS Môn Sơn. Đây là nơi ăn ở, sinh hoạt cho những học sinh tộc người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (bản Búng và Co Phạt) cách xa trường từ 15 - 20km đường rừng, đi lại rất khó khăn. Hầu hết học sinh trong độ tuổi từ 12 - 16, lần đầu xa gia đình, ở bán trú để học tập. Ở môi trường mới, các em vẫn giữ thói quen cũ, hễ nhớ nhà là trốn học và không tới nữa. Tìm cách gần gũi, chị Thanh hướng dẫn kỹ năng sống cho các em, đặc biệt là trẻ em gái. Nhìn những đứa trẻ Đan Lai hồn nhiên khi được chỉ dạy, rất ngoan ngoãn, chăm chú lắng nghe, chị thấy ấm lòng.

Từ ngày được “mẹ Thanh biên phòng” chỉ dẫn, những đứa trẻ Đan Lai mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp, biết chào hỏi mọi người, tự giác học tập và giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh giới tính. Hiểu ra, các em ở lại ký túc xá, không trốn học đi chơi, không bỏ về nhà nữa.

Bên cạnh đó, chị Thanh còn giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Cầm tay chỉ việc, chị bày cách chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch mùa màng. Đồn Biên phòng cũng vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí và vật chất để triển khai “Gian hàng 0 đồng”, giúp xây nhà cho những hộ nghèo, khó khăn; dẫn nước sinh hoạt cho dân...

*

Quá trình thực hiện “4 cùng”, chị Thanh nhận thấy vấn nạn nhức nhối là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Và chị đã nói điều hơn lẽ thiệt, phân tích cho bà con thấy để biết cách xóa bỏ những hủ tục có hại cho giống nòi. Nhờ sự kiên trì, đến nay, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đã được giải quyết dứt điểm.

Trưởng bản Lô Thị Nam (bản Cằng, Môn Sơn) chia sẻ: Từ ngày có o Thanh về, bà con mình tin nhiều và nghe theo bộ đội để phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống mới, tiến bộ, văn minh.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2016 – 2021). Năm 2022, chị được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì thành tích trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bài và ảnh: HÀ THANH
Ảnh: NVCC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:6
Trong ngày:1041
Trong tuần:1041
Trong tháng:1041
Cả năm:1041
Tổng lượt xem:1041