MỘT NỮ CÁN BỘ KHOA HỌC
MỘT NỮ CÁN BỘ KHOA HỌC
Thượng tá, TS Nguyễn Thu Hoài hiện là Phân viện trưởng Phân viện Công nghệ Sinh học thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Với chị, được làm việc đúng nguyện vọng và được cống hiến, là niềm hạnh phúc.
Như một cơ duyên
Sinh trưởng ở Hà Nội trong một gia đình cán bộ công chức, chị Thu Hoài thi đỗ vào Khoa Sinh học, chuyên ngành Vi sinh vật của Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) niên khóa 1987-1992. Đây là khóa cuối cùng hệ đào tạo 5 năm của Nhà trường.
Thời điểm Trung tâm Nhiệt đới Việt-Xô (nay là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga) đăng tuyển nhân sự, đúng lúc chị vừa tốt nghiệp đại học. Là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tâm chỉ tuyển sinh viên từ các trường quân đội. Tuy nhiên, chuyên ngành sinh học quân đội không đào tạo. Vì lẽ đó, chị Thu Hoài là một trong số những người được tuyển từ bên ngoài vào Trung tâm năm 1994, ở vị trí viên chức quốc phòng. 10 năm sau, chị được cử đi học lớp bồi dưỡng kiến thức quân sự. Năm 2015, chị Nguyễn Thu Hoài bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ.
Ngần ấy năm, chị cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tích cực, chủ động, chị đề xuất ý tưởng, mở mới, chủ trì thực hiện thành công nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học. Từ năm 2016 - 2021, có 04 đề tài, nhiệm vụ các cấp do TS Nguyễn Thu Hoài chủ trì được nghiệm thu. Trong đó, đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu chuyển hóa rutin thành isoquercetin bằng vi sinh vật và ứng dụng làm nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng” đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị chuyển hóa rutin thành isoquercetin và ứng dụng isoquercetin sản xuất thực phẩm chức năng dạng viên được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá cao.
Hiện tại, chị đang chủ trì một đề tài thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu tổng hợp sinh thái, tài nguyên sinh vật quần đảo Trường Sa phục vụ tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn với quốc phòng, quân sự”. Chương trình vừa góp phần bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học vùng biển xa bờ, vừa góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Tháng 6-2020, lần đầu chị Thu Hoài ra Trường Sa, nhận nhiệm vụ thử nghiệm và lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh sử dụng nước biển cho bộ đội, một dự án do chị làm chủ đề tài. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế việc đến thăm bộ đội Trường Sa, vì thế tình cảm từ đất liền gửi ra càng thêm ấm áp. Chị làm trưởng đoàn công tác, cùng 4 tấn hàng hóa, thiết bị ra Trường Sa. “Hệ thống nhà vệ sinh sử dụng nước biển” đã được lắp đặt và đang tiếp tục thử nghiệm thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của khí hậu biển.
Công tư vẹn toàn
Phân viện Công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga có lực lượng nữ chiếm 2/3 quân số. 05 năm qua, Phân viện chủ trì thực hiện thành công 34 đề tài, nhiệm vụ các cấp, trong đó có 02 đề tài cấp quốc gia, 01 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng, 02 đề tài cấp Tổng cục Kỹ thuật. Nhiều chị em dù bận con nhỏ nhưng vẫn đi công tác ở vùng sâu, vùng xa và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Năm 2018, Phân viện được nhận bằng khen của Bộ Quốc phòng và Cờ thi đua của Trung tâm. Hai năm tiếp theo, là Đơn vị Quyết thắng. Năm 2021, Phân viện được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác khoa học, công nghệ và môi trường, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, chị Thu Hoài còn là Chủ tịch Hội phụ nữ Phân viện, một trong 04 tổ chức hội của Trung tâm Nhiệt đới Việt -Nga. Hội có 134 hội viên, trong đó có khoảng 50 chị em thuộc các đơn vị nghiên cứu khoa học. Hội đã xây dựng chương trình, mục tiêu “Phụ nữ tiến công vào khoa học”. Chương trình lan tỏa đến nhiều đơn vị khác của Trung tâm, được Ban Tổng giám đốc đánh giá cao.
Tập thể Ban chấp hành Hội đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy một số chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua và công tác hội đạt hiệu quả. Chị Thu Hoài gương mẫu, vận động cán bộ, hội viên hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động. Phối hợp với tổ chức công đoàn khối các học viện, nhà trường trồng 2.000 cây xanh tại Khu di tích Đá Chông K9; cùng các tổ chức Thanh niên, Công đoàn, gửi tặng đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt 800 bộ phin lọc nước sạch trị giá 280 triệu đồng; vận động quyên góp ủng hộ các nhu yếu phẩm thiết yếu tặng nhân dân gặp khó khăn tại các khu bị cách ly, phong tỏa Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trị giá hơn 62 triệu đồng...
Dẫu công việc bận rộn nhưng TS Nguyễn Thu Hoài luôn chủ động sắp xếp việc chung - riêng hài hòa. Chị rèn tập cho các con tính tự giác, hình thành sớm tư duy khoa học, anh làm gương cho em. Hai con của chị Hoài đều là học sinh giỏi. Hiện cháu đầu đang nghiên cứu sinh tại Đại học Hanyang (Hàn Quốc), còn con gái là sinh viên năm thứ nhất Lớp cử nhân tiên tiến của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Thượng tá TS Nguyễn Thu Hoài nhiều lần là Chiến sĩ thi đua cơ sở; chị được nhận bằng khen của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Gia đình chị được bình chọn là Gia đình quân nhân tiêu biểu năm 2021.
KIM OANH
Ảnh: Đơn vị cung cấp