column_right getExtensions 1733301147-1733301147

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1733301147-1733301147

MỘT NGHỆ SĨ - GIẢNG VIÊN

MỘT NGHỆ SĨ - GIẢNG VIÊN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:25-07-2022

MỘT NGHỆ SĨ - GIẢNG VIÊN

Với giảng viên Lương Nguyệt Anh (Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) năm 2021 là một năm khó quên. Chị được tuyển dụng vào quân đội, đồng thời đoạt giải Ba đơn ca nữ lần đầu tiên tham gia Hội thao quân sự quốc tế 2021 (Army Games 2021) tổ chức tại Liên bang Nga.

Trong đội hình Đội quân văn hóa Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thượng úy, ca sĩ Lương Nguyệt Anh có dịp giới thiệu khúc hát chầu văn “Cô đôi Thượng ngàn”, nằm trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phần biểu diễn hấp dẫn, có sự tương tác sôi động với khán giả giúp Nguyệt Anh tạo được ấn tượng sâu sắc trước bạn bè quốc tế. Ngoài ra, cô cũng được Ban giám khảo đánh giá cao khi thể hiện xuất sắc các bài hát tiếng Nga.

Lương Nguyệt Anh và đồng đội trên sân khấu Army Games 2021 - Liên bang Nga

Có được thành tích đó là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ của ca sĩ Lương Nguyệt Anh, người đoạt ngôi vị quán quân giải Sao Mai toàn quốc, dòng nhạc dân gian năm 2011. Trò chuyện mới biết, cô xuất thân trong một gia đình quân nhân, từ ông nội, bố và các bác, các chú đều là những người lính thực thụ. Từ nhỏ, cô đã yêu thích văn hóa văn nghệ và mong nối nghiệp nhà. Quân đội là môi trường rèn tính kỷ luật, sự kiên trì, bền bỉ, nhất là tác phong làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, qua đó giúp bản thân vững vàng hơn trong công tác cũng như cuộc sống. Đây cũng là nơi lý tưởng để tuổi trẻ cống hiến và khẳng định bản thân.

Tham dự Army Games 2021, mặc dù phải đối mặt với các đối thủ rất mạnh, như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Belarus... những nước có nền văn hóa lâu đời, được đầu tư công phu, bài bản, hiện đại, nhưng Nguyệt Anh vẫn luôn tự tin. Cô tự nhủ, chỉ có nỗ lực luyện tập, khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết, dịch Covid-19, để bước lên sân khấu với tâm thế của một chiến binh trên mặt trận văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, cho bạn bè quốc tế thấy được rằng, QĐND Việt Nam không chỉ là đội quân anh dũng trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn là một đội quân văn hóa.

Lương Nguyệt Anh sinh ra tại Bắc Giang, một trong những cái nôi của dân ca quan họ mượt mà, sâu lắng. Sau khi đoạt giải Sao Mai, tên tuổi của cô được đông đảo công chúng biết đến, gắn với các ca khúc như: Đi tìm câu hát lý thương nhau, Điệu ví dặm là em, Thơ tình cuối mùa thu, Nhớ đêm giã bạn, Bến sông mơ, Ơi con sông Ngàn Phố, Gió đánh đò đưa, Đá lạnh, Đôi mắt đò ngang, Đôi bờ sông quê, Ngọt ngào tuổi thơ...

Ca sĩ Lương Nguyệt Anh

Không chỉ là một người lính trên trận tuyến văn hóa, ca sĩ Lương Nguyệt Anh còn phấn đấu để được đứng trên bục giảng. Tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cô đã trở thành giảng viên thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Mới đây, Lương Nguyệt Anh đã có thêm tấm bằng thạc sĩ. Một cơ hội tốt để cô không ngừng hoàn thiện, phát triển bản thân.

Dẫu kinh nghiệm chưa nhiều, song nữ giảng viên luôn tự nhủ phải bền bỉ tích luỹ từng ngày, từng tháng. Không chỉ là người truyền kiến thức mà giảng viên còn phải biết quan tâm, chia sẻ đối với người học, giúp họ phát triển và trưởng thành. Đặc biệt quan trọng là truyền cảm hứng, tình yêu nghề, tinh thần cống hiến hết mình với nghề.

Giảng viên Lương Nguyệt Anh với học viên

Với chất giọng nữ cao linh hoạt, mượt mà, đằm thắm, đượm chất dân gian, kết hợp với vốn kỹ thuật thanh nhạc đỉnh cao được đào tạo cơ bản, tin rằng Nguyệt Anh sẽ tiếp tục vươn tới và thành công trong sự nghiệp!

NGUYỄN HỒNG SÁNG
Ảnh: Nhân vật cung cấp và Trọng Hải

BÀI VIẾT NỔI BẬT