HỒNG HẠNH VÀ ĐỒNG ĐỘI
HỒNG HẠNH VÀ ĐỒNG ĐỘI
Việc giành được Huy chương Bạc tại Hội thao quân sự Quốc tế 2022 (Army Games 2022) tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín và những thành tựu quan trọng của Bộ đội Thông tin liên lạc (TTLL) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng... Thành tích xuất sắc ấy có sự góp công không nhỏ của 04 nữ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các cơ quan, đơn vị thông tin trong toàn quân về tham gia hội thao. Thượng úy Nguyễn Thị Hồng Hạnh vẫn nhớ những buổi huấn luyện căng thẳng, những ngày tranh tài sôi nổi trên đất nước Belarus tươi đẹp.
Đại tá Trần Bá Khương - Phó tham mưu trưởng Binh chủng TTLL, Đội trưởng Đội tuyển TTLL, QĐND Việt Nam, cho biết, đội có 28 thành viên, tham gia tranh tài giữa 12 đội, trong đó có các đội mạnh như: Nga, Belarus, Uzebekistan… Đây là cơ hội tốt để cán bộ, chiến sĩ Binh chủng TTLL tiếp tục được giao lưu, cọ xát, nâng cao kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm về TTLL quân sự. Trong chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tham gia Army Games 2022, sau 2 năm liên tiếp giành Huy chương Đồng, lần này, Bộ giao chỉ tiêu cho Binh chủng cao hơn.
Từ những kinh nghiệm rút ra năm trước, Binh chủng TTLL đã chỉ đạo phối hợp tuyển chọn huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) có năng lực, trình độ chuyên môn cao của các đơn vị thông tin toàn quân, đồng thời tuyển chọn VĐV nữ tham gia nội dung “Làm việc trên thiết bị có cấu trúc IT” theo thể lệ mới của hội thao. Quy chế năm nay có sự thay đổi cả về kết cấu nội dung thi và đối tượng, mỗi đội chia thành 02 kíp VĐV nam và nữ, mỗi kíp gồm 03 VĐV với hai phần thi (lý thuyết và thực hành bài tập tổng hợp).
Hồng Hạnh chia sẻ, áp lực đối với các VĐV, HLV là rất lớn. Để đạt các mục tiêu đề ra, mọi người phải kiên trì, bền bỉ, miệt mài, bám sát giáo án huấn luyện. Đặc biệt là các VĐV nữ lần đầu tham gia đội tuyển, phải khắc phục nhiều yếu tố như tâm sinh lý, thể lực, điều kiện sinh hoạt, dồn sức cho nhiệm vụ. Yêu cầu đặt ra là cường độ tập luyện ở mức vừa phải, tránh gây chấn thương hay ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng vẫn giữ được phong độ của VĐV.
Môn thi “Chiến sĩ thông tin - kỹ năng thuần thục” số đội tham gia tăng từ 9 đội lên 12 so với năm 2021, nên không có nhiều thời gian dành cho việc làm quen thao trường, trong khi khí tài, trang bị huấn luyện ở Việt Nam nhiều loại chưa sát thực tế thi đấu, chủ yếu là mô phỏng, cải hoán. Khắc phục trở ngại này, các VĐV ta đã biến các căn phòng rộng 10m2 thành “thao trường” luyện tập. Những thao tác nhanh, chuẩn xác, tiếng tín hiệu tịch tà đến, đi rộn ràng, tạo nên sức mạnh niềm tin chiến thắng trước ngày thi đấu. Nhờ sự kiên trì, tích cực luyện tập làm quen với điều kiện thi đấu tại nước bạn, toàn đội Vô tuyến điện đã giành được thành tích tốt.
Với nội dung định hướng Vô tuyến điện, VĐV Trần Kim Lập, đến từ Trường Quân sự Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc bài thi và đạt 6/6 KP. Ở vòng Kỹ năng thu, nhờ đúc kết kinh nghiệm, cũng như quá trình luyện tập, “Đôi bàn tay vàng, khả năng nghe tinh nhạy và trí nhớ tốt” là 3 tố chất quan trọng để có thể thu tín hiệu kịp thời, chuẩn xác. Với sự nỗ lực vượt bậc, các VĐV của Đội Việt Nam đạt thành tích 96/100 điểm, xếp thứ 3/12 đội, đứng sau Nga và Belarus. Tương tự, nội dung Liên lạc mạng, đội tuyển cũng giành vị trí thứ 3 với 86/100 điểm.