column_right getExtensions 1714949245-1714949245

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714949245-1714949245

ĐEM LẠI NIỀM VUI CHO NGƯỜI HIẾM MUỘN

ĐEM LẠI NIỀM VUI CHO NGƯỜI HIẾM MUỘN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:17-08-2022

ĐEM LẠI NIỀM VUI CHO NGƯỜI HIẾM MUỘN

Trung tá, Tiến sĩ Đoàn Thị Hằng

Từ thuở nhỏ, Đoàn Thị Hằng vốn mê tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học của các cán bộ quân đội, do chị sinh trưởng trong một gia đình mà bố mẹ đều là quân nhân. Mong ước được nối nghiệp nhà, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội (1999), người con gái Hà thành nộp đơn xin vào quân đội. Năm 2001, chị được tuyển dụng vào Học viện Quân y, bắt đầu một hành trình mới.

Nhận thấy tỷ lệ phụ nữ Việt Nam bị vô sinh ngày càng tăng lên, chứng kiến những cặp vợ chồng rong ruổi khắp nơi tìm kiếm cơ hội được làm cha, làm mẹ, bác sĩ Hằng rất trăn trở. Chị kể, tiếp xúc với nhiều phụ nữ hiếm muộn, nghe họ tâm sự thấy rất thương. Không ít chị em phải chịu áp lực tâm lý nặng nề từ gia đình. Thiên hạ, có người ác khẩu bảo: “Cây độc không trái, gái độc không con”, làm tổn thương sâu sắc đến nhiều chị em. Biết vậy, chị Hằng luôn ấp ủ ước vọng giúp giới nữ trong đó có cả những nữ quân nhân tìm được hạnh phúc trọn vẹn nhất. Và từ đó, chị bắt đầu gắn bó với lĩnh vực công nghệ phôi.

Đến nay, chị Hằng đã có gần 20 năm cống hiến cho công tác giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trung tâm Công nghệ phôi - Học viện Quân y. Trên chặng đường ấy, chị luôn đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu cụ thể và không chút dễ dàng. Chị hiểu rằng đến với khoa học, sẽ không thể thành công được nếu thiếu niềm đam mê và một tư duy nghiên cứu mới mẻ, tích cực, nhất là với lĩnh vực công nghệ phôi.

Tâm đức - tận tụy vì người bệnh, vì sức khỏe của phụ nữ và các bà mẹ thể hiện qua việc chị Hằng dày công, tận tâm nghiên cứu áp dụng những kỹ thuật, thủ thuật, phương pháp mới để làm tốt hơn việc khám, chữa bệnh. Ngay từ những năm đầu ở Trung tâm với tư cách là một bác sĩ trẻ, chị đã quan tâm đến công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học. Chị biết, bệnh nhân đến Trung tâm thường có hoàn cảnh đặc biệt với mong mỏi được làm mẹ, cùng với áp lực tâm lý đè nặng. Muốn điều trị tốt, trước hết người bác sĩ phải đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân, từ cử chỉ đến lời nói phải nhẹ nhàng, gần gũi, chia sẻ, đồng hành cùng bệnh nhân và thân nhân của họ trong thời gian điều trị. Gắn bó với chuyên khoa mô phôi, bác sĩ Hằng đã tiếp xúc và điều trị thành công cho rất nhiều ca bệnh khó. Đặc biệt là các trường hợp hiếm muộn lâu năm, chị thường động viên và tìm phương án tốt nhất để điều trị cho người bệnh. Chia sẻ về nghề, chị Hằng cho biết: Công việc vất vả, dẫu phần lớn thời gian hằng ngày gắn bó với môi trường bệnh viện nhưng nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của sản phụ và gia đình, khi đón những đứa trẻ ra đời khỏe mạnh, tôi quên hết mệt mỏi.

Với kinh nghiệm và khả năng khám chữa bệnh “mát tay” của mình, bác sĩ Hằng đã khám tư vấn và điều trị cho hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn, điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Chị Hằng (giữa) và các đồng nghiệp

Trong giảng dạy, Trung tá, Tiến sĩ Đoàn Thị Hằng được công nhận là giảng viên thực hành của Học viện Quân y (2006); giảng viên lý thuyết (2009); giảng viên giỏi cấp Học viện (2019). Những năm tháng trực tiếp khám chữa bệnh đã tạo nền tảng vững chắc, giúp chị tiến bước trong công việc trên giảng đường. Các đối tượng chị tham gia giảng dạy là học viên dài hạn quân y và dân y, bác sĩ cơ sở, cử nhân điều dưỡng, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Mỗi giờ đứng lớp, chị không chỉ mang đến cho người học những kiến thức hữu ích trong chuyên ngành mô phôi, mà chính chị cũng nâng cao hơn tri thức và khả năng truyền đạt của mình, đồng thời có thể phát hiện những vấn đề cần phải đưa vào nghiên cứu khoa học. Là giảng viên, đồng thời là giáo vụ của bộ môn, chị chấp hành nghiêm túc quy chế giảng dạy, quy chế quản lý học viên và luôn có tín nhiệm cao trước tập thể cán bộ và học viên.

Chị luôn nhận thức sâu sắc rằng, nghiên cứu khoa học và đào tạo luôn có quan hệ hữu cơ với nhau; nghiên cứu khoa học thúc đẩy chất lượng đào tạo. Giảng dạy và nghiên cứu đều rất cần phải cập nhật kiến thức. Vì thế, chị Hằng chịu khó đọc sách, tham khảo tài liệu trong và ngoài nước. Chị biên soạn tài liệu chuyên ngành để giảng dạy và sách tham khảo cho học viên đại học và sau đại học như: “Các tiêu bản mô học” (2015), “Mô học” (2019), viết 05 bài báo trong nước và 03 bài báo quốc tế. Đặc biệt, chị còn tích cực nghiên cứu với mong muốn tìm tòi các phương pháp tốt, cùng với các hướng nghiên cứu mới... Chị tham gia một số đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và chủ trì đề tài cấp Học viện. Trong nghiên cứu khoa học, chị là người cẩn trọng, không dễ chấp nhận những kết quả mà chính mình cảm thấy chưa thỏa mãn nhất là thời đại công nghệ đòi hỏi độ chính xác ngày càng cao.

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, chị Hằng còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ khối Bộ môn tổ chức như: khám và tư vấn sức khỏe cho hội viên, tham gia các hoạt động thiện nguyện, văn nghệ, thể dục, thể thao… Bởi vậy, chị luôn nhận được tình cảm yêu mến của chị em và đồng nghiệp.

Trải lòng về những năm tháng gắn bó với nghề, bác sĩ Hằng tự hào rằng “gia tài” lớn nhất của chị từ trước đến nay chính là những bức tâm thư với những lời chân tình cảm tạ, những chia sẻ tự đáy lòng mà sản phụ, các gia đình sản phụ gửi đến. Đó chính là động lực để chị cùng với những đồng nghiệp áo trắng - áo xanh tiếp tục sự nghiệp vì sức khỏe cộng đồng của mình.

Một ngày làm việc của chị Hằng bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, công việc cơ quan và việc nhà luôn bù đầu, nhiều hôm phải “vắt chân lên cổ” mới kịp. Chị luôn sắp xếp thời gian hợp lý để vun vén cho tổ ấm của mình, làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ; là điểm tựa để chồng yên tâm công tác tốt, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi; mỗi thành viên đều có ý thức gắn kết xây dựng gia đình hạnh phúc.

Với vai trò “bốn trong một”: người lính, nhà giáo, thầy thuốc, nhà khoa học, tin rằng TS Đoàn Thị Hằng sẽ tiếp tục vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình hạnh phúc; xứng đáng với phẩm chất đạo đức của Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Đại úy BÙI THỊ BÍCH THẢO
Giảng viên Khoa Lý luận Mác Lênin
Học viện Quân y

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:2
Trong ngày:168
Trong tuần:168
Trong tháng:8358
Cả năm:8358
Tổng lượt xem:8358