column_right getExtensions 1732200537-1732200537

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732200537-1732200537

CÓ MỘT CHỦ NHIỆM KHOA

CÓ MỘT CHỦ NHIỆM KHOA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:29-07-2022

CÓ MỘT CHỦ NHIỆM KHOA

Đại tá, PGS - TS, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Lý

Trong nhiều thập niên qua, hợp tác đào tạo quân y giữa Việt Nam và Pháp đã trở thành một trong những mũi nhọn trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước, đem lại hiệu quả thiết thực. Hàng trăm lượt bác sĩ quân y nước ta tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành tại Pháp. Nhiều người trong số họ đã có nhiều đóng góp cho ngành quân y Việt Nam, trong đó có Đại tá, PGS - TS, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Lý - Chủ nhiệm khoa Gây mê hồi sức (GMHS) Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108.

Cơ hội để mở rộng tầm mắt

Tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1990, bác sĩ trẻ Nguyễn Minh Lý về nhận công tác tại Khoa GMHS - Bệnh viện TƯQĐ 108 và gắn bó từ ngày đó. Bận rộn với công việc chuyên môn tại một trong những khoa có cường độ làm việc căng thẳng nhất, song Minh Lý vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành khóa cao học. Năm 2001, chị được cử tham gia khóa đào tạo tại Cộng hòa Pháp. Chị chia sẻ: Pháp là cái nôi của nền y học hiện đại, nơi sản sinh ra nhiều bác sĩ, nhà khoa học nổi tiếng thế giới như: Louis Pasteur, Alexandre Yersin… Vì vậy, đây là cơ hội để tôi tiếp cận với những kiến thức khoa học mới, được mở rộng tầm mắt và thay đổi nhãn quan về phương pháp tiếp cận, xử lý chuyên môn nghiệp vụ trong y học hiện đại.

Với một ngành học khá đặc biệt như chuyên ngành GMHS, áp lực cả trong đào tạo lý thuyết và thực hành khá nặng, nhất là khi việc giao tiếp cũng như trao đổi chuyên môn nghiệp vụ đều sử dụng tiếng Pháp. Dẫu đã có nhiều năm tự học Pháp ngữ, cộng với 1 năm học tiếng trực tiếp do các giáo viên bản địa giảng dạy tại Đoàn 871 trước khi lên đường, song đây vẫn là rào cản lớn nhất đối với bác sĩ Lý và các đồng nghiệp Việt Nam trong quá trình học tập tại Pháp. Với chuyên ngành này, các bác sĩ phải xử lý khối lượng công việc rất lớn mỗi ngày.

Để khắc phục những trở ngại, ngoài việc tập trung nghiên cứu, thực hành, tiếp thu kiến thức mới, bác sĩ Lý cũng dành nhiều thời gian trau dồi tiếng Pháp chuyên ngành, học cách diễn đạt và trình bày ý kiến trong các cuộc thảo luận. Nhờ vậy, chị sớm hòa nhập tốt vào môi trường mới và giành được nhiều thiện cảm của các giáo sư đầu ngành ở đây.

Bác sĩ Nguyễn Minh Lý (ngoài cùng bên phải) tham gia khóa huấn luyện kỹ thuật gây mê trong ca mổ ghép tim tại Bệnh viện Salpêtrière (Pitié, Pháp) năm 2019

Theo chị, tại Pháp, GMHS là một chuyên ngành phát triển nhanh và là mũi nhọn của ngoại khoa. Nhưng vào những năm 2001-2002, chuyên ngành này ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế như thiếu trang thiết bị máy móc, chưa cập nhật sự phát triển của kiến thức y học hiện đại và chưa có sự chăm sóc bệnh nhân toàn diện.

Sau hai năm tu nghiệp tại Pháp, bác sĩ Lý đã rút ra một điều: Chăm sóc bệnh nhân toàn diện là khâu đặc biệt quan trọng mà một cá nhân, một chuyên khoa không làm tốt được; nó đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý của nhiều chuyên khoa khác nhau. Riêng công việc của khối GMHS khá nặng nề. Kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để đánh giá tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ, tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân... Trong và sau mổ, kíp GMHS phải liên tục điều chỉnh, theo dõi các chức năng sinh tồn, các biến đổi về huyết động, cân bằng về máu, tim mạch, hô hấp, chăm sóc bệnh nhân, giảm đau, phòng chống nhiễm trùng vết mổ, cấp cứu kịp thời…

Mang kiến thức y học tiên tiến về Việt Nam

Về nước với một tư duy mở về cách tiếp cận tri thức y học hiện đại, bác sĩ Nguyễn Minh Lý mong mỏi những kiến thức, kinh nghiệm mà chị tiếp thu được ở Pháp có thể áp dụng vào chuyên ngành GMHS, để nâng cao chất lượng điều trị, chữa trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện TƯQĐ 108. Chị kể, trước đây, bệnh nhân sau ca mổ tim thường bị chảy máu, tỷ lệ nhiễm trùng cao, nhiều biến chứng, khả năng phục hồi chậm. Ở bên Pháp, chị rất ngạc nhiên khi thấy nhiều bệnh nhân 80-90 tuổi sau khi phẫu thuật một, hai hôm đã có thể tự ngồi dậy ăn uống được. Thắc mắc này đã được các giáo sư của Pháp giải thích rằng, trước khi tiến hành phẫu thuật, họ làm rất kỹ công tác chuẩn bị; theo dõi trong mổ và chăm sóc sau mổ. “Một ca mổ thông thường có thể kéo dài 5-7 giờ. Trong thời gian tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân bị giảm thân nhiệt rất nhanh. Nếu kíp GMHS không chú trọng giữ ấm thân nhiệt cho bệnh nhân, sau mổ họ rất dễ bị viêm phổi, phải thở máy”. Chị cho rằng, dù chỉ là chi tiết nhỏ nhưng sự thay đổi đó phải xuất phát từ nhận thức của những người làm nghề. Đây là một trong những điều quý giá chị đúc kết được sau khóa đào tạo ở Pháp.

Chuyên gia Pháp hướng dẫn gây tê vùng dưới hướng dẫn của siêu âm

Cho đến nay, Khoa GMHS-Bệnh viện TƯQĐ 108 đã áp dụng thành công phương pháp giảm đau tự kiểm soát, chăm sóc bệnh nhân toàn diện sau mổ theo một quy trình nghiêm ngặt, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm biến chứng. Các cán bộ, nhân viên của khoa cũng làm chủ các kỹ thuật hiện đại không thua kém gì các nước khác.

Sau quá trình tu nghiệp ở Pháp, PGS-TS Nguyễn Minh Lý còn có dịp trở lại tham gia các khóa tập huấn, cũng như chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các bác sĩ Pháp mỗi khi họ sang Việt Nam làm việc với Bệnh viện TƯQĐ 108. Chị vẫn luôn trân quý những tình cảm tốt đẹp mà các giáo sư, bác sĩ Pháp dành cho cá nhân chị cũng như nhiều bác sĩ quân y Việt Nam khác. Đại tá Nguyễn Minh Lý bày tỏ mong muốn các hoạt động hợp tác đào tạo quân y Việt - Pháp trong thời gian tới tiếp tục được chú trọng thúc đẩy cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân y của Việt Nam để phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn.

PHƯƠNG LINH
Ảnh: NVCC

BÀI VIẾT NỔI BẬT