CÔ GIÁO TRIẾT HỌC
CÔ GIÁO TRIẾT HỌC
12 năm gắn bó với Học viện Kỹ thuật mật mã cũng là ngần ấy thời gian cô giáo Hoàng Thị Giang luôn nỗ lực để mỗi giờ triết học Mác - Lênin sẽ bớt khô khan, trừu tượng, hàn lâm đối với sinh viên khối kỹ thuật. Luôn đặt mình vào vị trí của người học, đặt ra mục tiêu cho mỗi giờ giảng không chỉ giúp họ nắm được vấn đề mà cao hơn là có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Từ tuổi thơ nghèo khó
Tốt nghiệp loại giỏi hệ cử nhân chất lượng cao khóa 47 của Khoa Triết học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hoàng Thị Giang được chuyển tiếp học Cao học. Tháng 7-2009, chị về Khoa Lý luận chính trị của Học viện Kỹ thuật mật mã.
Những ngày đầu về nhận công tác, chị Giang rất bỡ ngỡ. Môi trường mới, đồng nghiệp mới và học trò cũng mới. Nhưng rồi chính tuổi trẻ, sự sôi nổi, thông minh, hài hước của các sinh viên đã giúp chị nhanh chóng hòa nhập.
Gắn bó với nhiều lớp sinh viên, có biết bao kỷ niệm đáng nhớ. Có lần một sinh viên hỏi chị: Thưa cô, tại sao có những bạn chưa sinh ra đã về đích? Cuối buổi học, sinh viên ấy kể với chị về cuộc sống nghèo khó, về những chật vật của bố mẹ để bạn có thể đến trường… Và chị đã kể về những gì mình đã nếm trải thay cho câu trả lời.
Sinh trưởng ở Hải Phòng. Nhà nghèo, cô bé Giang sáng đi học, trưa về phụ mẹ trông hàng và học bài. Suốt thời phổ thông không có nổi một chiếc bàn học, suốt 9 năm học chưa từng có được một cuốn sách giáo khoa mới. Phải đến những năm học tại Trường THPT năng khiếu Trần Phú (nay là Trường THPT chuyên Trần Phú) thì Hoàng Thị Giang mới biết. Nhưng chưa bao giờ chị hết tự hào về những năm tháng khó khăn ấy, chị trân trọng những gì bố mẹ đã dành cho mình. Sau buổi trò chuyện ấy, chị Giang cảm nhận được sự thoải mái của bạn sinh viên. Đó cũng là người có điểm số rất cao trong kỳ học năm đó.
Đến giảng đường hôm nay
Triết học được coi là môn học khô khan, trừu tượng với hầu hết người học. Cô giáo Hoàng Thị Giang hiểu trách nhiệm của mình là làm cho những kiến thức tưởng như “cao siêu” sẽ trở nên dễ hiểu, hấp dẫn hơn với sinh viên.
Trong quá trình giảng dạy, chị luôn nêu vấn đề và giải quyết vấn đề bằng rất nhiều ví dụ minh họa, liên hệ thực tiễn. Nhờ vậy, sinh viên dễ tiếp cận và thấm nhuần nội dung môn học. Chị luôn đặt mình vào vị trí của người học để cảm nhận nếu mình giảng như vậy, sinh viên có thể hiểu bài không?
Đối với chị, hiệu quả cao nhất của bài giảng là sinh viên phải nắm được vấn đề, hiểu được bài và vận dụng nội dung học tập trong những hoàn cảnh khác nhau để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Cũng có lẽ vì quan niệm này mà với các lớp học viên, sinh viên, mỗi giờ triết của cô Giang luôn cuốn hút và bổ ích.
Hưởng ứng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, trong 3 năm học liền (2017-2020), cô giáo Hoàng Thị Giang đều giành điểm số cao nhất trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp học viện. Chị trở thành một trong những giảng viên tiêu biểu của Học viện Kỹ thuật mật mã. Bằng ấy thời gian, chị là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2021, chị được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân.
Nhắc lại ước mơ ngày nào, cô giáo Hoàng Thị Giang xúc động và biết ơn chặng đường đã qua, biết ơn những người đã giúp mình hoàn thành được tâm nguyện ấy. Và chị luôn trân trọng tình cảm của các lớp học viên, sinh viên đã dành cho mình.
Cô giáo Hoàng Thị Giang chia sẻ, chính các bạn sinh viên đã giúp mình cảm thấy luôn trẻ trung, yêu đời và yêu nghề. Chị tự hào được đứng trên giảng đường của Học viện Kỹ thuật mật mã; tự hào vì mình đã góp phần nhỏ bé cho sự phát triển của Nhà trường nói riêng và ngành Cơ yếu Việt Nam nói chung.
Nguyễn Thị Hải Hà