CA SĨ MIỀN SÔNG NƯỚC
CA SĨ MIỀN SÔNG NƯỚC
Trung úy QNCN Đào Hồng Nhung công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 9. Yêu ca hát từ nhỏ và có giọng ca khá truyền cảm, nhờ vậy khi tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường học phổ thông rồi lên thành phố Cần Thơ, cô đạt được một số thành tích.
Nhận thấy năng khiếu của Hồng Nhung, một người hàng xóm đã giới thiệu cô thi tuyển vào Đoàn Văn công Quân khu. Khi ấy, Nhung vừa tròn 18 tuổi. Theo con đường binh nghiệp còn là niềm tự hào của cả gia đình. Nhớ lại kỷ niệm đã qua, ông Đào Quang Thọ, bố của Hồng Nhung, cho biết mình từng có thời gian dài phục vụ trong quân đội nên mong muốn con được rèn luyện trong môi trường này. Vẫn biết con đường nghệ thuật lắm thử thách nhưng ông kỳ vọng vào tương lai của con.
Lần đầu lên sân khấu, phía dưới đông đảo cán bộ, chiến sĩ, Hồng Nhung vừa run lại vừa mừng vì được khán giả cổ vũ rất nhiệt tình. Bởi vậy, cô càng quyết tâm phải làm sao đem trọn tâm tình gửi vào từng lời ca để phục vụ bộ đội và người dân. Đến năm 2015, Hồng Nhung chính thức trở thành một quân nhân.
Đội ca của Đoàn Văn công có 14 thành viên, mọi người đều cố gắng thể hiện được nhiều thể loại nhạc khác nhau để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của khán giả. Sở trường của Hồng Nhung là nhạc trẻ nhưng với những bài dân ca Tây Nam bộ, cô cũng thể hiện rất ngọt. Và để có những phút giây cống hiến trọn vẹn trên sân khấu, Hồng Nhung đã miệt mài luyện tập cùng chiếc đàn piano và sự dạy bảo tận tình của cô giáo Kim Thắng.
Khán giả đã quen với giọng hát ngọt ngào, tha thiết của Hồng Nhung. Rất nhiều ca khúc cô thể hiện được cán bộ, chiến sĩ yêu cầu riêng trong mỗi lần biểu diễn, trong đó có “Em vẫn đợi anh về” nói về nỗi niềm mong nhớ của người con gái tới người chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ nơi xa. Để có hơn 4 phút trên sân khấu, cô phải luyện tập mất 1 tuần. Ngoài hát đúng nốt, đúng nhịp, đúng nội dung, còn phải tìm cách thể hiện riêng để không bị lẫn với các ca sĩ khác. Đoạn khó nhất đối với Hồng Nhung đó là “Để được ghen để được hờn/ Để được thương để được giận/ Để thành chồng để thành vợ và để cùng hôn con”, làm sao thể hiện trọn vẹn sự thiết tha, mong nhớ nhưng cũng đầy khát khao mãnh liệt về tình yêu, cuộc sống.
Trở thành ca sĩ - chiến sĩ cũng là cơ duyên để Hồng Nhung gặp và nên duyên với Đại úy QNCN Lê Tấn Lộc, công tác tại Đội Quân nhạc thuộc Bộ Tham mưu Quân khu. Năm 2008, khi được cử sang tăng cường cho Đoàn Văn công chuẩn bị Hội thi toàn quân, chàng trai quê Bạc Liêu đã rung động trước cô ca sĩ có giọng hát trong trẻo, hay cười và biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Sau đại hội, nhiệm vụ của anh Lộc hoàn thành, đánh dấu bước chuyển biến mới trong mối quan hệ của hai người. Sau 4 năm yêu nhau, họ về chung một nhà. Kết hôn sớm cũng phần nào ảnh hưởng đến con đường nghệ thuật. Nhưng đó là thời gian đầu, bằng nỗ lực và cách sắp xếp thời gian hợp lý, Hồng Nhung vừa hoàn thành nhiệm vụ của Đoàn, vừa có thể chăm sóc chu đáo cho gia đình nhỏ của mình. Cô chia sẻ, trước đây, hát bằng bản năng, bằng kỹ thuật và sự hiểu biết thông điệp của ca khúc. Khi làm mẹ, đã trải nghiệm cuộc sống thì cách xử lý bài hát sâu lắng và tình cảm hơn.
Sau giờ làm việc, Hồng Nhung dành trọn thời gian cho gia đình. Mỗi khi cô đi biểu diễn hay tham gia hội thi thì anh Lộc trở thành hậu phương vững chắc cho vợ. Anh không nề hà việc gì, từ đón con, nấu ăn, dạy con học, thu vén việc nhà để vợ toàn tâm toàn ý đem lời ca tiếng hát phục vụ bộ đội và nhân dân. Hồng Nhung vững bước trên con đường nghệ thuật, nhờ có bến đỗ bình yên.
Bài và ảnh: NHƯ HOA