column_right getExtensions 1743759155-1743759155

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1743759155-1743759155

PHỤ NỮ VIỆT NAM LUÔN TRONG TRÁI TIM NGƯỜI

PHỤ NỮ VIỆT NAM LUÔN TRONG TRÁI TIM NGƯỜI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:20-03-2025

Phụ nữ Việt Nam luôn trong trái tim Người

TS. CHU ĐỨC TÍNH

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam đối với cách mạng và mong muốn quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Tuy đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người vẫn soi sáng từng bước phát triển cho cách mạng và phụ nữ.

Ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp xúc với nhiều trào lưu cách mạng tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là tư tưởng bình đẳng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người hiểu rằng một đất nước chỉ có thể phát triển khi phụ nữ được tham gia vào mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa.

Tại lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu, Người khẳng định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Đây là quan điểm cách mạng rất tiến bộ, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, biến họ thành lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Người tôn vinh những anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, khẳng định vị trí của họ trong lịch sử dân tộc với câu thơ trong “Lịch sử nước ta”: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”.

Ngày 8-3-1965, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày quốc tế phụ nữ (1910-1965), Bác và Trung ương Đảng dành tặng phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".

Người viết: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng được một nửa nhân loại. Nếu phụ nữ không được giải phóng thì xã hội không thể tiến bộ”. Đây là một tư tưởng vượt thời đại, đặt nền móng cho các chính sách bình đẳng giới ở Việt Nam sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích phụ nữ học tập, nâng cao trình độ để tham gia xây dựng đất nước. Người căn dặn: “Phụ nữ phải tham gia vào công tác cách mạng, học tập chính trị, kinh tế, văn hóa, kỹ thuật... Phải xóa bỏ tư tưởng tự ti, phát huy tinh thần tự lực, tự cường”.

Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ nữ, nhấn mạnh rằng phụ nữ không chỉ là lực lượng hỗ trợ mà còn là những người lãnh đạo tiềm năng. Ngay buổi đầu thành lập nước, Người yêu cầu các tổ chức Đảng, chính quyền phải tạo điều kiện để phụ nữ tham gia các vị trí quản lý quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ phụ nữ toàn miền Bắc, tháng 1-1956

Từ những quan điểm lớn lao ấy, Hồ Chí Minh không ngừng đấu tranh để đưa tư tưởng bình đẳng giới vào các văn bản pháp lý. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã khẳng định quyền bình đẳng nam nữ, mở ra một chương mới trong lịch sử giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.

Với tầm nhìn chiến lược, Hồ Chí Minh luôn tin rằng phụ nữ chính là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước. Người để lại một di sản tư tưởng quý báu, truyền cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam tiếp tục phấn đấu vì một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

*

Luôn thấu hiểu thiên chức của người mẹ, người vợ và những hy sinh lớn lao của phụ nữ, Hồ Chí Minh lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực gia đình và yêu cầu phải tôn trọng quyền lợi phụ nữ. Người khẳng định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải thật sự giải phóng phụ nữ”.

Báo Nhân Dân ngày 23-10-1960 đăng bài “Phải thật sự tôn trọng quyền lợi phụ nữ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó, Người phê phán mạnh mẽ các hành vi bạo lực gia đình. Và nhấn mạnh rằng những hành động đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại đạo lý và truyền thống của dân tộc.

Bác Hồ khen ngợi nữ vận động viên đạt thành tích cao trong Đại hội thể dục thể thao Thủ đô Hà Nội lần thứ nhất, ngày 5-2-1961

Khi nghe báo cáo về việc điều động thanh niên xung phong vào tuyến lửa Trường Sơn, Bác căn dặn cần quan tâm đặc biệt đến các cháu gái, nhấn mạnh việc bảo đảm sức khỏe và điều kiện sinh hoạt phù hợp. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác kể rằng Người luôn lo lắng cho đời sống tinh thần và vật chất của các nữ thanh niên xung phong.

Trong vô số câu chuyện thể hiện tình yêu thương của người cha già đối với những người con gái đang trực tiếp chiến đấu với quân thù, có thể chọn câu chuyện của bà Ngô Thị Tuyết nhiều lần được gặp Bác Hồ.

Quê ở Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi, tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi làm giao liên cho lực lượng vũ trang địa phương. Cha và anh rồi mẹ đều hy sinh, bà Tuyết vừa làm giao liên vừa chiến đấu, là tay súng bắn tỉa xuất sắc đã tiêu diệt 50 tên địch. Được gặp Bác Hồ lần đầu tiên năm 1967, Người hỏi: “Cháu còn nhỏ thế làm thế nào mà có thể tham gia chiến đấu?”; “Chiến đấu giữa mưa bom bão đạn bao hiểm nguy cháu có sợ không?”… Bà nhắc lại lời của đồng đội với Bác: “Các anh vào Nam chiến đấu quyết hy sinh để mong ngày miền Nam được đón Bác vào thăm”. Người rơm rớm nước mắt.

Bà Tuyết kể, mỗi lần được gặp Bác, tôi có thêm những bài học riêng cho mình. Sâu đậm nhất trong bà là quan điểm sống yêu thương con người và không lãng phí. Bác luôn quan tâm tới mọi người xung quanh từ những điều nhỏ nhặt nhất. “Như lần đầu tiên gặp Bác, quá mừng rỡ, quýnh quáng thế nào tôi làm đứt quai dép, để vậy mà chạy theo Người. Đến chiều quay về, đã thấy đôi dép lành lặn, lại đã có thể xỏ chân mang vào. Bác dặn dò đứa cháu nhỏ miền Nam ra Bắc nhớ mặc áo thật ấm vì thời tiết ngoài này lạnh hơn. Lần cuối, tôi gặp Người là trước lúc Bác ra đi chừng hai tháng. Lần ấy, thấy Bác yếu, tôi đã khóc, Người hỏi sao lại khóc?”…

Người tặng hoa cho các nữ dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh, ngày 24-9-1968

Trước khi về với thế giới người hiền, Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần chăm lo, bồi dưỡng phụ nữ để họ có cơ hội phát triển và đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Người khẳng định: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, Phụ nữ Việt Nam (PNVN) vươn lên mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến giáo dục, y tế… Tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng ngày càng tăng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 xếp hạng 72/146 quốc gia. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn ở mức cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (đạt 30,26%). Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ chiếm 46,7% tổng số lao động cả nước, có mặt trong nhiều ngành quan trọng, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ. Phụ nữ không chỉ là người lao động giỏi mà còn là những doanh nhân thành đạt, sở hữu và điều hành nhiều doanh nghiệp lớn.

Cùng trong hành trình đầy nỗ lực và quyết tâm ấy, Phụ nữ Quân đội luôn tích cực, chủ động trong mọi phong trào của PNVN, tiếp tục khẳng định bản lĩnh và trí tuệ, góp phần xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” tiến lên hiện đại; sẵn sàng đồng hành cùng dân tộc trên hành trình dựng xây và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên mới, kiến tạo một tương lai phồn vinh như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.

BÀI VIẾT NỔI BẬT