column_right getExtensions 1732187891-1732187891

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732187891-1732187891

NGÔI CHÙA TRẤN BIÊN CƯƠNG

NGÔI CHÙA TRẤN BIÊN CƯƠNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:05-12-2022

NGÔI CHÙA TRẤN BIÊN CƯƠNG

Tọa lạc trên một vùng đất cao, cách thành phố Lạng Sơn 28 km về phía Tây Bắc, chùa Tân Thanh (Tân Thanh Tự) nằm ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng). Đây là một ngôi chùa có kiến trúc thuần Việt mang bản sắc văn hóa Bắc Bộ.

Chùa Tân Thanh, mái và tam quan

Được khởi công xây dựng từ năm 2015, chùa Tân Thanh gồm 3 khu: điện thờ chính (cung Tam Bảo), điện thờ Đức Thánh Trần, điện thờ Đức Thánh Mẫu và Tam Quan. Trong khuôn viên chùa có trên 100 pho tượng và khoảng 1.000 cây xanh các loại, trong đó gần một nửa là những cây hoa đào tiến vua, bung cánh rực rỡ mỗi dịp xuân về. So với các ngôi chùa ở Lạng Sơn, chùa Tân Thanh được xem là ngôi chùa lớn nhất về quy mô cũng như đặc biệt trong kiến trúc.

Mái đao đầu rồng cong vút

Nằm ở thế đất đẹp, bên trái có núi hình rồng chầu, bên phải có núi hình voi phục, phía sau thế núi như ngai rồng... chùa Tân Thanh chỉ cách đường biên giới Việt - Trung khoảng 300 mét. Cổng chùa với tam quan chồng diêm lợp ngói mũi hài, mái đao đầu rồng cong như ở các ngôi chùa Việt truyền thống. Chính giữa cổng là bảng tên chùa được viết theo lối thư pháp Việt mềm mại, hiếm thấy. Hai cặp câu đối cũng được viết chân phương chạy dài từ trên xuống dưới hai bên cạnh 3 cánh cổng của tam quan. Từ cổng nhìn vào, không gian rộng lớn của quần thể chùa chiền khiến người đến đây không khỏi choáng ngợp. Bên phía tay phải là đền thờ Quan Trấn Ải. Bên trong đền nổi bật là bức hoành phi với hai câu: “Trấn ải Tân Thanh trung nghĩa lưu sử sách. Non sông Đại Việt trường tồn mãi nghìn thu” để tưởng nhớ công lao của bao anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất nơi biên ải và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Sảnh chùa với chiếu rồng bằng đá, chạm trổ hình rồng thời Lý trên phiến đá nặng trên 90 tấn. Các bậc thang lên chùa đều có rồng chầu

Điện chính của chùa Tân Thanh được xây dựng tại vị trí đắc địa trên thế đất “long chầu hổ phục”, “sơn thủy hữu tình”… Hai bên cửa chùa có hai hồ nước trong mát. Trung tâm sảnh của chùa được bài trí chiếu rồng bằng đá, chạm trổ hình rồng thời Lý trên phiến đá nặng trên 90 tấn. Các bậc thang dẫn lên chùa đều có rồng chầu. Hai bên của chính điện là hai Điện thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Ban Tam Bảo của chùa rộng 1.300m2, được làm bằng gỗ lim, chạm khắc tinh xảo, tượng Phật sơn son thếp vàng. Đặc biệt, chữ trên câu đối, hoành phi đều hoàn toàn là chữ thư pháp Việt. Có lẽ, đây là cách bài trí ít chùa nào tại Việt Nam có được.

Điểm nhấn đặc biệt nhất là mỗi viên gạch xây chùa Tân Thanh đều khắc hàng chữ in hoa: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - PHẬT LỊCH 2559 KHỞI TẠO CHÙA TÂN THANH”, cho thấy niềm tự hào, tự tôn của dân tộc được khẳng định trên từng viên gạch nơi tâm linh cột mốc chủ quyền.

Gạch dùng xây chùa

Đứng ở bất kỳ vị trí nào trong chùa đều có thể phóng tầm mắt nhìn về nước mình, nhìn qua biên giới, thu cả giang sơn vào trong tầm mắt. Từ trên cao nhìn xuống cổng tam quan, đất trời, núi non và con người dường như hòa làm một. Thoảng trong gió, tiếng chuông chùa ngân vang càng làm cho không gian an yên, mang đến cảm giác thư thái.

Khung cảnh đất trời, núi non và ngôi chùa hài hòa, nổi bật
Du khách vãn cảnh chùa

Thượng tọa Thích Quảng Truyền - Phó trưởng Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lạng Sơn cho biết: Chùa Tân Thanh được xây dựng ở cửa ngõ biên cương phía Bắc, không chỉ là nơi thờ Phật mà còn mang ý nghĩa văn hóa tâm linh của người Việt. Sự hiện diện của chùa cũng là thông điệp về sự chân thành, lòng từ bi theo tinh thần phật giáo, tình hữu nghị, cam kết cùng phát triển của nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Thực hiện: BÙI HÀO HIỆP

BÀI VIẾT NỔI BẬT