column_right getExtensions 1726194485-1726194485

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1726194485-1726194486

PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI LÀ TRÁCH NHIỆM VÀ LƯƠNG TRI

PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI LÀ TRÁCH NHIỆM VÀ LƯƠNG TRI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:26-07-2024

PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI LÀ TRÁCH NHIỆM VÀ LƯƠNG TRI

Bài và ảnh: PHẠM LÊ - QUỐC TOẢN

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Điều đó thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước dân chủ nhân dân. Suốt gần 80 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn trung thành với mục tiêu cao cả đó.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” (sáng tác Phạm Ngọc Hùng) do Đội văn nghệ BĐBP tỉnh Thanh Hóa thể hiện

Thực tế hiện nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn tồn tại nạn mua bán người do các tổ chức tội phạm thực hiện. Liên hợp quốc (LHQ) xếp hạng đây là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được coi là hành động phản nhân loại, cần bài trừ ra khỏi đời sống xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng; tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi; xuất hiện ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; qua con đường xuất cảnh. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, chỉ trong quý I năm 2024, tổng số vụ án thụ lý điều tra là 84 vụ với 223 đối tượng phạm tội và 178 nạn nhân mua bán người (114 nạn nhân nam và 64 nạn nhân nữ). Ngoài ra, lực lượng chức năng còn giải cứu 11 nạn nhân khác. Đây là một trong những vấn nạn gây hậu quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội; xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; gây nỗi đau khôn nguôi đối với gia đình nạn nhân, khiến hạnh phúc tan vỡ và khủng hoảng cả về thể chất, tinh thần, tiền bạc để tìm kiếm người thân; gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiêu tốn nguồn nhân lực, ngân sách của quốc gia... Nhằm động viên sự quan tâm và huy động sức mạnh của toàn xã hội đấu tranh bài trừ tội phạm mua bán người, Chính phủ xác định hằng năm lấy ngày 30-7 là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” và tháng 7 là “Tháng hành động phòng, chống mua bán người”.

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng ban PNQĐ phát biểu khai mạc
Các đại biểu tham dự truyền thông

Phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, nhất là các lực lượng chức năng quản lý biên giới và cửa khẩu quốc gia. Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của Trung ương về xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người. Trong đó, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nắm rõ các thủ đoạn, phương thức dụ dỗ lôi kéo nạn nhân mua bán người để có kỹ năng phòng, tránh; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người. Ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) và các cơ quan chức năng đã phối hợp, tham mưu tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực; triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động trong phụ nữ toàn quân; hướng dẫn thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” trong PNQĐ. Tổ chức các lớp tập huấn tại Cao Bằng, Hà Tĩnh, Tuyên Quang cho cán bộ, hội viên các đơn vị, phụ nữ địa phương và nhân dân trên địa bàn; trong đó có những nội dung ý nghĩa về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người; đóng góp tích cực trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, xây dựng địa phương vững mạnh về chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới.

Tham quan các tác phẩm đoạt giải cao tại Cuộc vận động sáng tác tranh về đề tài bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới năm 2024

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, sáng 26-6-2024, tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa, Ban PNQĐ phối hợp với Cục Chính trị và các cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP tổ chức truyền thông hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tháng hành động phòng, chống mua bán người” năm 2024. Với phương pháp sáng tạo, chương trình chuyển tải những thông tin hữu ích về phòng chống mua bán người đến các đại biểu tham dự. Tiêu biểu như: Phóng sự “Quân đội chung tay phòng, chống mua bán người” do Điện ảnh BP thực hiện; tiểu phẩm “Thức tỉnh” do các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát Kịch nói Quân đội thể hiện; chuyên đề “Phương thức, thủ đoạn lôi kéo nạn nhân mua bán người và biện pháp phòng, tránh; công tác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu của BĐBP” do Đại tá Nguyễn Trung Việt - Phó Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP, giới thiệu. Các đại biểu thêm hiểu biết về pháp luật, về tích cực tuyên truyền tại địa phương cư trú và đơn vị đóng quân, để cùng chung tay góp phần giảm thiểu tình trạng mua bán người hiện nay. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm lan tỏa sâu rộng hơn nữa những thông điệp tích cực, những hành động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; kịp thời đấu tranh với các hành vi mua bán người, đặc biệt là hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em; có hành động cụ thể, thiết thực chăm lo xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” trong cơ quan, đơn vị.

Tiểu phẩm “Thức tỉnh” của Nhà hát Kịch nói Quân đội
Đại tá Nguyễn Trung Việt, chia sẻ nội dung chuyên đề

Để nhân lên hiệu quả chương trình truyền thông, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, kỷ luật Quân đội có liên quan đến vấn đề gia đình, phụ nữ, trẻ em, nhất là việc thực hiện Luật trẻ em, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật phòng, chống mua bán người. Quán triệt Chỉ thị số 06 ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”. Quá trình tổ chức thực hiện cần đổi mới phương pháp; triển khai hoạt động, kiểm tra, giám sát, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sĩ, người lao động đều nhận thức và thực hiện tốt trách nhiệm của bản thân trong xây dựng gia đình hạnh phúc; chung tay, góp sức trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; trong đó cần đặc biệt phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng có liên quan. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất những giải pháp hiệu quả và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần phòng, chống bạo lực gia đình; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em; không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp truyền thông để nâng cao hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp phụ nữ chủ động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trong gia đình; bảo vệ bản thân và các thành viên trong gia đình trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm mua bán người. Hội phụ nữ các cấp cần chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt hội, tập trung bồi dưỡng kỹ năng ứng xử có văn hóa; kỹ năng giải quyết các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng; kỹ năng nhận diện và phòng, tránh âm mưu, thủ đoạn lôi kéo nạn nhân mua bán người. Hội cần có những hoạt động phối hợp với các lực lượng trong đơn vị để tuyên truyền không chỉ đối với chị em mà đối với cả nam giới phát huy trách nhiệm trong chia sẻ công việc gia đình; trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh, tiếp thu các giá trị tiên tiến của xã hội phát triển, phấn đấu mỗi hội viên là một tuyên truyền viên, một chiến sĩ xung kích đoàn kết, chung tay cùng cộng đồng phòng, chống mua bán người; xây dựng mỗi “tế bào gia đình” của xã hội thật sự lành mạnh, tốt đẹp.

Trưởng ban PNQĐ và Thiếu tướng Trần Duy Hòa - Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương trao quà tặng các cán bộ, nhân viên BĐBP có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống mua bán người
Đại tá Trần Đức Tuấn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Đặc công và Thượng tá Phan Ái Xuân - Phó Trưởng ban PNQĐ tặng quà học sinh tiêu biểu, học sinh vượt khó học giỏi
Đại diện Binh đoàn 18, Tổng cục Hậu cần, Ban Cơ yếu Chính phủ tặng quà các học sinh

Lần đầu tiên, hoạt động truyền thông của PNQĐ hướng tới Tháng hành động phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Tin rằng, nội dung truyền thông sẽ thấm sâu vào nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Quân đội và người dân trên địa bàn. Từ đó, động viên mọi thành phần, lực lượng có hành động thiết thực trong phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi mua bán người, chăm lo xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:7
Trong ngày:973
Trong tuần:16017
Trong tháng:43551
Cả năm:1753982
Tổng lượt xem:6064420