PHÁT TRIỂN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ TRỤ CỘT BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI TRONG QUÂN ĐỘI
Phát triển chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
trụ cột bảo đảm an sinh xã hội trong Quân đội
Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong Quân đội là nền tảng của hệ thống an sinh xã hội đối với quân nhân và gia đình quân nhân, cơ sở vững chắc bảo đảm hậu phương Quân đội. Vì vậy, nghiên cứu, phát triển chính sách này là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước thành các nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật1, nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng một cách toàn diện, đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân, trong đó có lực lượng vũ trang. Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch2, với mục tiêu, yêu cầu, chủ trương, giải pháp khoa học, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, đối tượng thụ hưởng trong Quân đội, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện.
Trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những năm qua, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các đối tượng3 và thu được kết quả khá toàn diện. Rõ nét nhất là, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong toàn quân được thực hiện có nền nếp, đi vào chiều sâu, thực chất; công tác thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được tiến hành đúng quy định. Việc cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng được thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, chặt chẽ, kịp thời; quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đối tượng bảo đảm đầy đủ; hoạt động giám định, quản lý, giám sát, dự báo chi phí khám chữa bệnh được duy trì nghiêm túc, đúng quy định; quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng đúng mục đích, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch4, v.v.
Tuy nhiên, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong Quân đội vẫn còn một số hạn chế, bất cập do cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật, như: thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của quân nhân khó có thể đạt được tỷ lệ lương hưu 75%; quân nhân có thời gian tại ngũ là hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên tại các học viện, nhà trường khi tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần sẽ thấp hơn các đối tượng khác. Đối với nam quân nhân, khó có thể được hưởng ngày nghỉ theo chế độ thai sản khi vợ sinh con do đặc thù hoạt động quân sự; quân nhân (nhất là đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ) có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội dưới 12 tháng không được hưởng trợ cấp mai táng phí từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội; chưa có cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm y tế của lực lượng dân quân thường trực; việc thông tuyến khám, chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, v.v.
Thời gian tới, để công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế thực sự phát huy vai trò là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội trong Quân đội, động viên mọi quân nhân yên tâm công tác, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, người làm công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, chủ động khắc phục những khó khăn, bất cập, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thực hiện tốt nội dung này sẽ giúp mọi quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng trong Quân đội và gia đình họ thấy được tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với Quân đội, bảo đảm bù đắp một phần thu nhập cho quân nhân và gia đình quân nhân. Theo đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên phụ trách công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, làm cho mọi quân nhân, nhất là hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, lao động hợp đồng nắm chắc chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; tích cực tham gia bảo hiểm xã hội và bảo lưu thời gian đã tham gia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Nội dung tuyên truyền phải toàn diện, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trọng tâm là Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, v.v.. Kết hợp tuyên truyền chuyên sâu với giáo dục chính trị, pháp luật, thông tin chuyên đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các cấp.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hoạt động của Quân đội là lao động đặc thù, có tính phức tạp, cường độ cao, nguy hiểm, rủi ro lớn, thời gian công tác của quân nhân tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, độ tuổi, sức khỏe,... theo quy định của Quân đội. Mặt khác, các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý, khi tham gia bảo hiểm xã hội, thời gian tính lương hưu, trợ cấp sẽ phụ thuộc vào thời gian công tác được quy định trong Luật Sĩ quan, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự. Theo cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu, trợ cấp được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, thời gian công tác của quân nhân, những người lao động ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,... sẽ không tương đồng với các đối tượng lao động khác ngoài Quân đội. Cùng với đó, việc bảo đảm quyền lợi khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng gặp khó khăn, bất cập do một số bệnh xá quân y chưa được chấp nhận như bệnh viện tuyến huyện; trang thiết bị y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (Trường Sa, Nhà giàn DK) chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, v.v. Điều đó đặt ra cho Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo phù hợp với hoạt động đặc thù của Quân đội, như: độ tuổi, khu vực công tác, thời gian đóng bảo hiểm, nối tiếp thời gian đóng bảo hiểm cho hạ sĩ quan, binh sĩ khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trợ cấp mai táng phí, bảo hiểm y tế của đối tượng dân quân thường trực,... trong đó, chú trọng vào Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các nghị định của Chính phủ5, v.v.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra là khâu quan trọng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng; đồng thời, phát hiện ra các sai sót, bất cập, từ đó kịp thời khắc phục và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, bệnh xá trong toàn quân. Kịp thời chấn chỉnh các sai sót, không để xảy ra hiện tượng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ có hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quyết toán, thu, chi bảo hiểm xã hội; phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, vừa bảo đảm chặt chẽ trong quản lý, vừa hạn chế sai phạm. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tốt công tác thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý, kiểm soát tốt việc giải quyết thủ tục, chi trả chế độ bảo hiểm cho các đối tượng bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu đối với nâng cao chất lượng công tác bảo hiểm trong Quân đội và yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Để thực hiện tốt nội dung này, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng chủ động tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực về công nghệ thông tin; tổ chức bồi dưỡng kiến thức khai thác, sử dụng phần mềm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong toàn quân. Tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng” với mục tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ về công tác bảo hiểm theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý tập trung, thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, bảo mật thông tin, dữ liệu tại Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng. Thường xuyên kết nối, duy trì liên thông dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng với các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quân, làm cơ sở cho việc giám định, chi trả kinh phí khám, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho các đối tượng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp, góp phần nâng cao sức khỏe bộ đội, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội.
Đại tá CAO XUÂN THẮNG
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng
________________
1 - Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết số 20 và số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII); Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, ngày 01-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, v.v.
2 - Kế hoạch số 1204-KH/QUTW, ngày 22-11-2018 của Quân ủy Trung ương về triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), v.v.
3 - Gồm: quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu chính phủ, lao động hợp đồng.
4 - Hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01-10-2021 trên 156 tỉ đồng; giảm mức đóng bảo hiểm đối với người sử dụng lao động (từ 01% xuống 0%) vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp (từ ngày 01-10-2021 đến ngày 30-9-2022) với số tiền trên 43 tỉ đồng, v.v.
5 - Nghị định số 70/2015/NĐ-CP, ngày 01-9-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu và Nghị định số 76/2016/NĐ-CP, ngày 01-7-2016 của Chính phủ quy định vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ; Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, v.v..