column_right getExtensions 1716240741-1716240741

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1716240741-1716240741

NỮ Y SĨ Ở NẬM PỒ

NỮ Y SĨ Ở NẬM PỒ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:07-05-2024

Nữ y sĩ ở Nậm Pồ

Sinh trưởng trong gia đình có bố là người dân tộc Mông, mẹ người dân tộc Thái, ở bản Mường Tùng, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà (Điện Biên), tháng 1-2002, Giàng Thị Tâm vào làm công nhân viên quốc phòng, làm việc tại Nông trường 1, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 379.

Mới thành lập, đoàn thiếu nhân lực, cần tuyển con em đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực đơn vị đóng quân. Nấu ăn được 3 tháng, thấy Tâm cẩn thận, chăm chỉ, cấp trên cử chị đi học lớp y tá tại Bệnh viện Quân y 109.

Học xong, chị Tâm về Bệnh xá Quân dân y Đoàn KTQP 379. Vào thời điểm ấy, có được một y tá người Mông, nghe và nói được cả tiếng Thái là rất hiếm. Bởi họ không chỉ khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân mà phải biết làm công tác dân vận, nắm tình hình địa bàn. Một người am hiểu phong tục, tập quán, trò chuyện được với bà con sẽ rất thuận lợi cho quá trình công tác. Năm 2008, chị tốt nghiệp Trường trung cấp Y tế tỉnh Điện Biên và trở về gắn bó với Bệnh xá.

Y sĩ Giàng Thị Tâm tư vấn sức khỏe cho dân bản

Chị Tâm nhớ hồi mới về Đoàn, nhà cửa, doanh trại lợp mái lá, vách thưng bằng ván gỗ, là địa bàn “4 không” - không điện, không nước, không đường giao thông và không sóng điện thoại. Đơn vị phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Lớn lên ở bản, chị quen dùng nước suối, không biết múc nước giếng là gì.

Đoàn KTQP 379 phụ trách địa bàn trong vùng dự án gồm 4 huyện: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé (Điện Biên) và huyện Mường Tè (Lai Châu), với 28 xã, 278 thôn, bản. Trong đó có 18 xã giáp biên giới với Lào và Trung Quốc, có 16 dân tộc chung sống, chủ yếu là: Mông, Tày, Nùng, Thái; riêng người Mông chiếm 68,1%. Một số tập tục lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống của bà con, việc chữa bệnh chủ yếu nhờ thầy cúng, ít khi đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra sức khỏe. Trước thực trạng đó, Bệnh xá Quân dân y Đoàn KTQP 379 phối hợp với trạm y tế các xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh; cấp cứu, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cứu chữa nhiều người không may bị tai nạn hoặc mắc bệnh nan y. Thời điểm đại dịch Covid-19, việc phòng ngừa dịch bệnh rất quan trọng. Bà con coi y, bác sĩ của Đoàn KTQP 379 nói chung và chị Tâm nói riêng như người thân.

Chị Tâm thăm khám cho bà con xã Si Pa Phìn

Nhiều năm nay, chị Thào Thị Máy, 31 tuổi, nhà ở bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ coi y sĩ Giàng Thị Tâm là ân nhân cứu mạng. Giận chồng, chị dại dột hái lá ngón nhai. Rất may có người phát hiện và đưa chị Máy đến Bệnh xá của Đoàn cấp cứu. Giữa đêm đông lạnh giá, chị Tâm và đồng nghiệp nỗ lực hết sức tìm mọi phương pháp để cấp cứu chị Máy. Sau 4 ngày nằm Bệnh xá điều trị, với sự hỗ trợ của gia đình, sức khỏe bệnh nhân ổn định và về nhà. Từ đó, tổ ấm của chị Máy được thắp lại ngọn lửa ấm.

Một đêm đông 2018, sản phụ Sùng Thị Pàng, 19 tuổi, ở xã Si Pa Phìn (Nậm Pồ) bị đau bụng dữ dội, mặt tím tái, được đưa vào Bệnh xá. Tuy không phải ca trực, nhưng nhận được tin từ Bệnh xá trưởng, chị Tâm phóng xe máy theo đường rừng vào cấp cứu cho sản phụ trẻ sinh con đầu lòng.

Tuy thai chưa đủ tháng, nhưng được cấp cứu kịp thời nên cả mẹ và con đều khỏe mạnh, cháu trai chào đời nặng 3,4kg. Sản phụ Sùng Thị Pàng và cả gia đình chị ai nấy đều cảm ơn Bệnh xá và y sĩ Tâm.

Một ngày gần Tết Kỷ Hợi 2019, Bệnh xá của Đoàn nhận được tin có vụ tai nạn giao thông, cần cấp cứu gấp. Mặc dù đêm tối, trời rét, mưa phùn nhưng chị Tâm cùng một y sĩ khác của Bệnh xá vẫn chạy xe máy đến hiện trường. Đó là Vàng A Công, nhà ở bản Mo Công, xã Phìn Hồ. Qua kiểm tra, bệnh nhân bị đa chấn thương, nặng nhất là vết rách ở đùi phải. Các y, bác sĩ tiến hành cấp cứu, phẫu thuật, khâu 7 mũi. Sau một tuần điều trị, sức khỏe hồi phục, bệnh nhân được về nhà. Xúc động, anh Công hứa sẽ không uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Đại tá Nguyễn Văn Huân - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KTQP 379 cho biết, y sĩ Tâm là người vững chuyên môn, sáng y đức, tâm huyết với công việc. Chị thông thạo tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc. Tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, công tác phụ nữ.

Ở nơi xa xôi, hẻo lánh như Nậm Pồ, có y sĩ như Thiếu tá QNCN Giàng Thị Tâm thật quý và tự hào.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:2
Trong ngày:354
Trong tuần:4463
Trong tháng:9657
Cả năm:9657
Tổng lượt xem:9657