NỮ TƯ LỆNH LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH ĐẦU TIÊN
NỮ TƯ LỆNH LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH ĐẦU TIÊN
Ngày 12-5-2014, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bổ nhiệm Thiếu tướng Kristin Lund, người Na Uy, làm Tư lệnh Phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB) tại Cộng hòa Síp (UNFICYP), chỉ huy lực lượng khoảng 1.000 người. Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động GGHB Liên hợp quốc, một nữ sĩ quan được giao đảm nhiệm trọng trách này. Ba năm sau, ngày 6-10-2017, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gueterres quyết định bổ nhiệm bà Kristin Lund làm Tư lệnh Tổ chức giám sát thỏa thuận ngừng bắn (UNTSO) ở Trung Đông, một tổ chức của Liên hợp quốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong giám sát ngừng bắn. Sự kiện này có thể được coi là “có một không hai” trong lịch sử hoạt động GGHB Liên hợp quốc, vì đây là lần thứ hai, bà được bổ nhiệm chức Tư lệnh lực lượng GGHB và UNTSO là một Phái bộ GGHB đặc biệt nhất từ trước đến nay, có thời gian tồn tại lâu nhất trong lịch sử hoạt động của Liên hợp quốc.
Ngày UNTSO được thành lập (29-5-1948) cũng chính là ngày Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua quyết định thiết lập hoạt động GGHB tại Trung Đông, mở đầu cho một trang sử mới của hoạt động GGHB Liên hợp quốc. UNTSO là Phái bộ GGHB đầu tiên của Liên hợp quốc được thành lập nhằm giám sát ngừng bắn giữa Israel và các quốc gia láng giềng Arab và tồn tại từ đó đến nay.
Là một quốc gia Bắc Âu, có diện tích 366.108 km2, dân số 5,43 triệu người (9-2020), Na Uy là một trong những thành viên sáng lập Tổ chức Liên hợp quốc và luôn ủng hộ việc xây dựng Liên hợp quốc thành một tổ chức quốc tế hùng mạnh, hiệu quả và một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Liên hợp quốc là nòng cốt. Hiện nay, Na Uy xếp thứ 7 trong danh sách các quốc gia có đóng góp lớn nhất cho các hoạt động của Liên hợp quốc và là một trong số rất ít các nước dành 1% Tổng thu nhập quốc nội (GDP) cho mục tiêu phát triển. Mặc dù dân số rất ít, nhưng kể từ năm 1949 đến nay, Na Uy đã cử hơn 42.000 lượt người tham gia các lực lượng GGHB Liên hợp quốc.
Từ đó đến nay, đã có 03 sĩ quan cao cấp của Na Uy được bổ nhiệm Tư lệnh phái bộ, trong đó có Thiếu tướng Kristin Lund. Bà sinh ngày 16-5-1958, gia nhập quân đội Na Uy năm 1979. Tốt nghiệp Học viện Chỉ huy tham mưu, Học viện Quốc phòng Na Uy, bà lấy bằng Thạc sĩ Nghiên cứu chiến lược tại Học viện Chiến tranh Lục quân Mỹ. Bà là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động GGHB như tham gia Lực lượng lâm thời Liên hợp quốc (UNIFIL) ở Lebanon (1986) và Lực lượng bảo vệ Liên hợp quốc (UNPROFOR) (1992-1993, 1994-1995). Bà cũng là nguời có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động đa phương quốc tế. Năm 1991, tham gia Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” (Operation Desert Storm) tại Saudi Arabia và sau đó phục vụ tại Trụ sở của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Afghanistan (2003-2004). Năm 2009, bà được phong hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Lực lượng cận vệ Na Uy và là nữ sĩ quan đầu tiên đảm nhiệm vị trí này trong quân đội Na Uy.
Ngày bà Kristin Lund được bổ nhiệm làm Tư lệnh UNFICYP có thể được coi bước ngoặt đánh dấu sự hình thành và phát triển của hoạt động GGHB Liên hợp quốc. Ngay khi được bổ nhiệm, Thiếu tướng Kristin Lund đã tuyên bố: Đã đến lúc phải cho những người phụ nữ khác thấy rằng, trong hệ thống của Liên hợp quốc, phụ nữ cũng có thể phấn đấu để trở thành nữ Tư lệnh. Cũng từ thời điểm đó, bình đẳng giới đã trở thành một nội dung được ưu tiên trong các chương trình hoạt động của bà. Kristin Lund tích cực vận động thành lập mạng lưới nữ quân nhân, khuyến khích phụ nữ tham gia và tăng số lượng nữ quan sát viên trong phái bộ. Bà cũng thường xuyên khuyến khích các nước tham gia lực lượng GGHB, cử nhiều hơn các sĩ quan và quân nhân nữ.
Bà nhận thấy, lợi ích to lớn và vai trò quan trọng của việc phụ nữ tham gia hoạt động GGHB. Sự tham gia của phụ nữ góp phần hiện thực hóa mong muốn bình đẳng giới trong hoạt động này. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ tiếp cận và giao tiếp với người dân địa phương dễ hơn so với nam giới, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, qua đó, họ có thể thu thập được những thông tin có giá trị, giúp nắm rõ hơn về tình hình, đưa ra các quyết định tốt hơn, lập kế hoạch và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thực tế cho thấy, trong mọi lĩnh vực hoạt động GGHB, phụ nữ chứng tỏ được khả năng đảm đương và hoàn thành các nhiệm vụ tương đương với nam giới trong cùng điều kiện khó khăn như nhau. Thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của phụ nữ. Mỗi phái bộ và các sĩ quan chỉ huy phải cùng tham gia và thực hiện một cách có hệ thống mục tiêu này. Càng nhiều phụ nữ tham gia hoạt động GGHB thì nền hòa bình đó sẽ càng bền vững hơn.
Với nhận thức đó, Thiếu tướng Kristin Lund đã tích cực vận động, thuyết phục, đưa ra những đề xuất cụ thể đối với các cơ quan Liên hợp quốc và các quốc gia cử quân. Nhờ đó, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng GGHB ngày một tăng. Nếu năm 1993 mới chỉ có 1% sĩ quan là nữ, thì đến ngày 31-3-2018, phụ nữ chiếm 5% trong tổng số 91.058 người thuộc lực lượng quân đội và cảnh sát GGHB. Bà là người hiện thực hóa Nghị quyết của Liên hợp quốc về bình đẳng giới trong hoạt động GGHB. Từ năm 2000, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết 1325 về “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh” (S/RES/1325).
Đây được coi là sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách của Liên hợp quốc nhằm thu hút nhiều hơn sự tham gia của phụ nữ vào các Phái bộ GGHB trên toàn thế giới. Nghị quyết khẳng định vai trò của phụ nữ trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, trong đàm phán, GGHB, phản ứng nhân đạo và tái thiết sau xung đột. Qua đó nhấn mạnh sự cần thiết phải lồng ghép giới vào các nội dung này, kể cả trong hoạt động GGHB. Việc huy động sự tham gia của phụ nữ vào mọi cấp hoạt động, ra quyết định và hoạch định chiến lược về GGHB có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế triển khai nghị quyết gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là do sự khác biệt trong nhận thức và quan niệm về giới, cũng như sự khác biệt về văn hóa của các quốc gia. Mặc dù Ban Thư ký Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên đã cam kết tăng thêm số lượng phụ nữ tham gia hoạt động GGHB ở mọi cấp độ và mọi vị trí, song trong thực tế triển khai còn chậm. Nhờ sự vận động tích cực của Kristin Lund, kết quả về bình đẳng giới trong hoạt động GGHB ngày càng khả quan hơn.
Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử sĩ quan tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc. Việc cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong hiện thực hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tạo điều kiện, môi trường quốc tế thuận lợi để thúc đẩy các quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực thực hiện những nghĩa vụ của một quốc gia thành viên đối với các vấn đề an ninh chung, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Việc tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc cũng góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực cho cán bộ, phục vụ nhu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Tháng 1-2018, Việt Nam đã cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân trên cương vị sĩ quan tham mưu tác chiến tại Phái bộ Nam Xu-đăng. Đối với đội hình đơn vị, năm 2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 – đội hình đơn vị đầu tiên của Việt Nam được triển khai đến Phái bộ đã thu hút sự tham gia của nhiều nữ quân nhân (10/63 = 15,9%). Tháng 5-2022, Việt Nam đã triển khai thành công Đội Công binh hạng nhẹ đến phái bộ UNISFA tại Abyei, Cộng hòa Xu-đăng, tỷ lệ nữ của Đội Công binh đạt gần 12%.
Tính đến nay, tỷ lệ nữ quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng GGHB khá cao so với tỷ lệ chung của lực lượng GGHB Liên hợp quốc (đơn cử như Bệnh viện dã chiến 2.4 có 12 nữ trong tổng số 63 quân nhân, chiếm trên 19%, trong khi tỷ lệ khuyến khích của LHQ là 15%). Lực lượng GGHB của Việt Nam nói chung, các nữ sĩ quan, bác sĩ, nhân viên quân y nói riêng, được Liên hợp quốc, Tư lệnh các phái bộ, nước chủ nhà và sĩ quan các nước đánh giá cao về năng lực, chuyên môn, khả năng thích ứng nhiệm vụ và môi trường làm việc đa quốc gia. Bên cạnh đó, lực lượng nữ quân nhân Việt Nam cũng là điểm sáng trong nhiều hoạt động của LHQ tại các phái bộ thực địa, nhất là trong công tác đối ngoại nhân dân. Những việc làm của nữ quân nhân Việt Nam giúp nhân dân Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phí và khu vực Abyei trồng rau xanh, hỗ trợ chăm sóc con cái, dạy học cho trẻ nhỏ, khám chữa bệnh từ thiện cho người dân, làm đường đến trường, chống ngập lụt, xây dựng trường học, dạy tiếng Anh, tin học… lan tỏa nét đẹp về nữ quân và hình ành phụ nữ Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Việc cử sĩ quan nữ tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc thể hiện chính sách bình đẳng giới của Việt Nam và sự đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong các hoạt động mang tính chất toàn cầu. Đây được coi là bước chuyển mới trên lộ trình từng bước tham gia vào hoạt động GGHB Liên hợp quốc của Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ truyền thống của Việt Nam với các quốc gia tại địa bàn châu Phi; thể hiện chính sách đối ngoại vì hòa bình, hợp tác cùng phát triển của Đảng và Nhà nước ta.
Đại tá ThS VŨ VĂN KHANH