Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh
Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Diện bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện tiếp tục được mở rộng đồng nghĩa với việc lưới an sinh xã hội của Nhà nước ngày càng rộng lớn và có thêm nhiều người dân được thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện. Để có thể đưa những chính sách an sinh xã hội đến gần người dân, BHXH Việt Nam thường chủ động tổng hợp vướng mắc trong các tổ chức và thực hiện chính sách; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đánh giá về tình hình thực hiện chế độ, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung về chính sách pháp luật nhằm khắc phục những hạn chế; phục vụ hiệu quả việc xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng, qua đó góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia, thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách. Quỹ BHXH, BHYT đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH. Quy mô các quỹ bảo hiểm tăng qua từng năm, khẳng định tính bền vững, bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhờ đó người lao động và nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng khi tham gia BHXH, BHYT. Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ BHXH ngày càng tăng; tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho BHXH ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội...
PV: Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số của ngành đã mang lại lợi ích lớn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện, được các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội đánh giá cao. Ông đánh giá như thế nào về những đột phá này?
Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", ngành BHXH Việt Nam đặc biệt coi trọng và đã tập trung mọi nguồn lực, giải pháp; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ; từng bước hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của ngành, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, được các cấp, các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao. Ngành đã cắt giảm được từ 263 thủ tục hành chính (năm 2009) xuống còn 25 thủ tục hành chính; 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, từng bước tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ. Theo đó, gần như tất cả các hoạt động của ngành và giao dịch của đơn vị, doanh nghiệp, người tham gia với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số... Cùng với đó, ngành đã triển khai ứng dụng “VssID-BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân gắn chíp để đi khám, chữa bệnh...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: NGUYỄN DUY
PV: Tại báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, BHXH Việt Nam đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng và đứng đầu trong Khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ, thực tế đó liệu đã chứng minh chuyển đổi số trong ngành BHXH thành công?
Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Trong 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020, BHXH Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối bộ, ngành, đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ. Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, BHXH Việt Nam cũng đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng và đứng đầu trong Khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ.
Có thể thấy, các hoạt động của ngành, của đơn vị, doanh nghiệp, người tham gia với cơ quan BHXH được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH; giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu; thụ hưởng chính sách; nâng cao tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng; phòng, chống gian lận, trục lợi các quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện...
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhờ cải cách thủ tục hành chính và hệ thống CNTT hiện đại, trong 3 năm qua, cơ quan BHXH các cấp đã kịp thời cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện để phục vụ hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; đồng thời góp phần triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Với nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên và hệ thống CNTT phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam với các bộ, ngành giúp chuẩn hóa dữ liệu, vừa phục vụ công tác quản lý, vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông thủ tục hành chính, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền, lợi ích của người dân, đơn vị, doanh nghiệp. Đây cũng là minh chứng cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực, góp phần phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HÀ VŨ (ghi)
(Nguồn: Báo QĐND)