NGƯỜI “TRUYỀN LỬA”
NGƯỜI “TRUYỀN LỬA”
Trong bất cứ lĩnh vực nào của bệnh viện, nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ thì cần phải chú trọng tới nhân lực nữ. Cùng với việc chiếm tỷ lệ lớn thì chị em còn đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí có những vị trí then chốt. Nhiều năm nay, ở Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108, đội ngũ bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ nữ có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) - Thiếu tướng, PGS. TS Phạm Nguyên Sơn - Phó giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 nhận xét.
Nổi bật trong phong trào là Đại tá, TS Tưởng Thị Hồng Hạnh – Phụ trách Chủ nhiệm khoa Siêu âm chẩn đoán, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện TƯQĐ 108. Chị cùng đội ngũ cán bộ khoa học của viện thực hiện thành công nhiều đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ Quốc phòng. Đề tài tiêu biểu: “Nghiên cứu đặc điểm hình ảnh và giá trị của siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, xạ hình 131I toàn thân và 18FDG PET/CT trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và hạch cổ di căn” trong điều trị bệnh nhân ung thư tuyến giáp.
Khoảng 5 năm trước, vấn đề ung thư tuyến giáp chưa được chú ý nhiều ở trong các bệnh viện quân y, nhưng chị nhận thấy tình hình mắc ung thư tuyến giáp đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ ở các nước trên thế giới và Việt Nam. Trong khi đó Bệnh viện TƯQĐ 108, với cơ sở vật chất và con người có thể coi là tốt nhất của miền Bắc lúc đó để thực hiện đề tài này. Đáng chú ý là nữ mắc nhiều hơn nam giới, với tỷ lệ nữ/ nam khoảng 4/1. Chị mạnh dạn đề xuất Hội đồng Khoa học bệnh viện và Cục Khoa học công nghệ, Bộ Quốc phòng. Đến nay, đề tài đã hoàn thành cơ bản và có thể nghiệm thu đúng thời hạn, sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Là người “truyền lửa”, chị Hạnh như một cánh chim đầu đàn trong phong trào nghiên cứu của Bệnh viện và Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh. “Gia tài” đáng ngưỡng mộ của chị: 02 đề tài cấp Nhà nước, 05 đề tài cấp Bộ, bệnh viện.
Nói về những khó khăn trong nghiên cứu khoa học, chị Hạnh chia sẻ: Công việc NCKH đòi hỏi rất tốn thời gian và công sức, nhiều khi phải làm việc ngoài giờ hành chính. Do đặc thù nghề nghiệp, lắm lúc không thể chủ động được thời gian, vì thế khó khăn lớn nhất của nữ bác sĩ là sắp xếp giữa công việc bệnh viện và việc riêng gia đình. Mặt khác trong thời đại ngày nay, y học thế giới phát triển vô cùng nhanh chóng, đòi hỏi bác sĩ phải liên tục học tập, cập nhật kiến thức, mới có thể đáp ứng được yêu cầu công tác, phục vụ bệnh nhân.
Đó cũng là một thách thức đối với các nữ bác sĩ, để giải quyết mâu thuẫn này, chị và đồng nghiệp sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý, hài hòa giữa việc chung và việc riêng, đồng thời đó là sự đồng cảm, sẻ chia của người thân. Tuy vậy, công việc cũng mang lại nhiều niềm vui mỗi khi chẩn đoán được một tình huống khó, góp phần điều trị hiệu quả cho người bệnh. Đó chính là động lực để chị Hạnh tiếp tục vượt qua khó khăn, vất vả.
Hơn 30 năm công tác, chị Hạnh nhớ nhất khi khám cho một cháu bé khoảng 5 - 6 tuổi, chị phát hiện cháu bị viêm ruột thừa cấp khá điển hình. Sau khi nói với người mẹ về tình trạng bệnh tật của con và khuyên phải phẫu thuật, thì chị được nghe trả lời rằng thầy nói năm nay cháu không được động dao kéo và định đưa bé về nhà ngay lập tức. Chị kiên trì thuyết phục, mãi sau người mẹ mới đồng ý làm thủ tục phẫu thuật trước khi quá muộn cho cháu. Hay trường hợp một phụ nữ tuổi 35, phát hiện ung thư vú, chị Hạnh khuyên bệnh nhân mổ sớm. Nhưng người bệnh lại điều trị đắp thuốc nam, bệnh không đỡ, khối u ngày càng sưng và đau đớn. Bệnh nhân tái khám sau 3 tháng, khối u to lên và đã có di căn hạch hố nách. May vẫn còn kịp… Niềm vui của chị chính là sự hợp tác của người bệnh.
Đại tá, TS Tưởng Thị Hồng Hạnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị được nhận 03 bằng khen của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (2009, 2010, 2018); 02 bằng khen Bộ Quốc phòng; 01 bằng khen của Tổng cục Chính trị; nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, có cả chiến sĩ thi đua toàn quân.
Bài và ảnh: AN NGỌC