NGƯỜI ĐÁNH THỨC HIỆN VẬT
Người đánh thức hiện vật
Bài và ảnh: VĨNH YÊN
Thiếu tá Lê Thị Hòa quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, chị sinh trưởng trong gia đình có bố là sĩ quan quân đội. Tốt nghiệp phổ thông, chị Hòa theo học Khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh (2001-2005), rồi học Thạc sĩ ngành Lịch sử Việt Nam tại trường này (2005-2008). Sau đó, chị về công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam.
Trải qua nhiều vị trí công tác, đến năm 2021, chị Hòa là Trợ lý Nghiên cứu Phòng Sưu tầm. Nhiệm vụ của chị là sưu tầm hiện vật, hình ảnh, thành tích chiến đấu của các cựu chiến binh, tướng lĩnh, đơn vị quân đội qua các thời kỳ. Công tác sưu tầm không đơn giản là đến gặp gỡ, vận động chủ nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng, mà đó là cả một quá trình từ khảo sát, thu thập thông tin, xác định hiện vật theo đúng tiêu chí của Bảo tàng LSQS Việt Nam. Sau khi sưu tầm được hiện vật, chị Hòa nghiên cứu biên soạn hồ sơ báo cáo Hội đồng khoa học xét duyệt. Hoàn thiện tất cả các khâu này, một hiện vật mới được công nhận có giá trị lịch sử, văn hóa để đưa ra trưng bày, giới thiệu.
Chiến tranh đã lùi xa, các nhân chứng lịch sử đã mất hoặc tuổi cao không còn minh mẫn nên gặp khó khăn trong việc khai thác thông tin. Việc thuyết phục tặng lại kỷ vật cũng không dễ dàng bởi chúng gắn với kỷ niệm sâu sắc của nhân chứng về những người thân yêu, về tình đồng đội, thậm chí cả máu và nước mắt. Kiên trì đi lại nhiều lần, chị Hòa thăm hỏi, động viên gia đình người thân tác động để các bác, các chú đồng thuận. Việc sưu tầm khắp đất nước, cả miền núi và hải đảo cũng là một khó khăn đáng kể. Bên cạnh đó nhiều hiện vật do không được bảo quản đúng cách đã bị rách, hỏng, mối mọt… Chị không ngừng học hỏi, khắc phục khó khăn, sưu tầm nhiều hiện vật nhất có thể. Mỗi năm chị Hòa sưu tầm hơn 100 hiện vật, tài liệu hình ảnh. Nghiên cứu biên tập khoảng 30 hồ sơ hiện vật, gần 100 hồ sơ ảnh báo cáo Hội đồng xét duyệt. Mỗi khi có thông tin về các hình ảnh, kỷ vật có giá trị thì dù ở đâu chị cũng sẵn sàng đến tìm hiểu, nghiên cứu.
Tuy bận chuyên môn, nhưng chị Hòa còn đảm trách vai trò Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chị gương mẫu đi đầu, luôn quan tâm đến đời sống của tập thể, đoàn viên, người lao động, cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tuy “làm dâu trăm họ” nhưng chị Hòa lại thấy may mắn khi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng ủy - Ban Giám đốc Bảo tàng, của Phòng Sưu tầm cũng như sự giúp đỡ của đồng đội và đồng nghiệp… Kiên nhẫn, tỉ mỉ và tích cực tham gia các phong trào, các cuộc thi, chị Hòa được nhận giải Ba tại Hội thi Cán bộ Công đoàn giỏi Cơ quan Tổng cục Chính trị (TCCT) năm 2019; bằng khen của TCCT (2022).
Là một nữ quân nhân mẫn cán ở đơn vị, về nhà, chị Hòa là người vợ, người mẹ hết lòng chăm lo cho tổ ấm của mình. Chồng công tác xa nhà, con nhỏ, việc chăm sóc đưa đón con, một mình gánh vác nên chị luôn thu xếp hài hòa giữa việc cơ quan và gia đình.
Bảo tàng LSQS Việt Nam là nơi lưu giữ truyền thống hào hùng của quân và dân ta trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; là cầu nối công chúng với các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc. Yêu nghề, Thiếu tá Lê Thị Hòa luôn chủ động, sáng tạo, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của Phụ nữ Quân đội “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, góp phần làm phong phú thêm hiện vật tại Bảo tàng, từ đó truyền tải kiến thức, thông điệp đến với mọi người.