MỘT GIẢI THƯỞNG NÂNG TẦM TRÍ TUỆ
MỘT GIẢI THƯỞNG NÂNG TẦM TRÍ TUỆ
Nhiều năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn coi phát triển khoa học công nghệ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23 (được tổ chức vào trung tuần tháng 5-2023) với 6.186 công trình, sáng kiến của trên 10.000 lượt người tham gia là một minh chứng. Trải qua nhiều vòng tuyển chọn, đến vòng cuối (cấp toàn quân) có 616 đề tài, sáng kiến tiêu biểu được đề nghị Hội đồng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội thẩm định, đánh giá. Hội đồng chọn và đề nghị trao giải cho 321 công trình, với 10 giải Nhất, 53 giải Nhì, 121 giải Ba, 137 giải Khuyến khích. Các công trình đa dạng, thuộc các ngành, lĩnh vực khoa học liên quan đến quốc phòng và hoạt động của Quân đội, phần lớn được đưa vào ứng dụng. Hàng trăm công trình, sáng kiến đoạt giải cao tại Festival Sáng kiến toàn quốc, Giải thưởng Quả cầu vàng, Giải thưởng Sao vàng đất Việt, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC...
Với tiêu chí “Trí tuệ, bản lĩnh, kỷ cương, nhân ái”, Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo lần này có 120 tác giả với 79 công trình, sáng kiến lọt vào vòng cuối, trong đó 55 công trình, sáng kiến do nữ làm chủ nhiệm. Có 46 công trình, sáng kiến của phụ nữ toàn quân tham gia, 32 công trình, sáng kiến do các chị làm chủ nhiệm được giải thưởng.
Hoạt động sáng tạo của PNQĐ diễn ra ở nhiều cấp độ, quy mô từ thấp đến cao; gắn với môi trường làm việc, nhiệm vụ chuyên môn của chị em. Có sáng kiến bắt nguồn từ sự áp dụng để đạt được hiệu quả công tác trong một thời gian ngắn. Có công trình được ấp ủ nhiều năm, quá trình nghiên cứu, thử nghiệm nhọc nhằn, phải huy động cả tập thể kiên trì lao động bền bỉ. Những câu chuyện của các tác giả, chủ nhiệm qua mỗi công trình, sáng kiến đều thể hiện sự sáng tạo và cống hiến của chị em.
Thiếu tá, ThS. Nguyễn Thị Phương Lan, Viện Nghiên cứu Khoa học Hậu cần Quân sự (Học viện Hậu cần) có được những kết quả nổi bật trong phát triển công nghệ thực phẩm, phục vụ công tác bảo đảm hậu cần cho các đơn vị, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội ở đơn vị cơ sở. Chị làm chủ nhiệm 02 đề tài, sáng kiến; tham gia nghiên cứu 01 đề tài Bộ Quốc phòng; 01 sáng kiến cấp Tổng cục, 03 đề tài sáng kiến cấp Học viện… Các nội dung chị nghiên cứu với những giải pháp hữu ích, hiệu quả trong chế biến, bảo quản, cung cấp thực phẩm cho bộ đội, trong điều kiện hoạt động bình thường và phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ tàu ngầm. Đó là: “Ứng dụng các hợp chất có hoạt tính sinh học từ thực vật vào bảo quản thịt lợn tươi trong điều kiện hoạt động quân sự”; “Nghiên cứu ứng dụng enzym trong sản xuất xúc xích tiệt trùng”; “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất suất ăn dã ngoại phục vụ sư đoàn bộ binh huấn luyện diễn tập, hành quân và chiến đấu”; “Ứng dụng kỹ thuật chế biến và bảo quản kéo dài thời gian bảo quản một số món ăn chế biến sẵn tại Lữ đoàn 189”; “Nghiên cứu sản xuất nước mắm truyền thống tại Học viện Hậu cần”… Kết quả nghiên cứu phù hợp với điều kiện thực tế, dễ thao tác và được nhiều đơn vị triển khai ứng dụng rộng rãi.
Nhóm nghiên cứu gồm Thiếu tá Lê Thị Phương Thảo, Thiếu tá Ngô Thị Xuân Thu và Dược sĩ Lê Thị Mỹ thuộc Khoa Dược, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108 thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình giám sát sử dụng Vancomycin thông qua theo dõi nồng độ thuốc trong máu tại Bệnh viện TƯQĐ 108”. Thực tế điều trị cho thấy, rất nhiều trường hợp sử dụng thuốc không đúng giờ, đặc biệt với chế độ liều mỗi 8 giờ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả định lượng và hiệu chỉnh trên bệnh nhân. Tuy nhiên, việc giám sát điều trị vancomycin ngay tại liều đầu tiên phần nào giải quyết được những vấn đề này do lấy mẫu tại liều đầu sẽ hạn chế sai lệch của khoảng đưa liều. Việc dùng thuốc đúng trong giai đoạn đầu triển khai quy trình giám sát điều trị vancomycin là một nỗ lực rất lớn của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhóm nghiên cứu. Giải quyết được vấn đề trên và việc lấy mẫu nồng độ chuẩn xác trong quá trình nghiên cứu đã giúp đội ngũ điều dưỡng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc dùng thuốc đúng giờ và lấy mẫu theo đúng quy trình đã xây dựng. Nhờ đó, quá trình thử nghiệm đã cho kết quả rất khả quan. Sau khi triển khai quy trình, thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân giảm từ 21 xuống 17 ngày. Thời gian sử dụng vancomycin cũng có xu hướng giảm, từ đó chi phí điều trị cho bệnh nhân cũng giảm. Đề tài đem lại hiệu quả tối ưu trong điều trị, giảm thiểu độc tính trên thận và tai, góp phần giảm tình trạng đề kháng kháng sinh.
Mỗi kết quả lao động sáng tạo, dù lớn hay nhỏ đều là kết tinh tâm huyết của chị em với suy nghĩ tránh những khuôn mẫu có sẵn, mở ra hướng tư duy mới, cũng như thao tác và quản lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào thành tựu khoa học, công nghệ của đất nước. Điều đó khẳng định vị thế và nâng tầm trí tuệ của PNQĐ trong giai đoạn cách mạng mới.
Bài và ảnh: QUANG HẢI
Ảnh: QUỐC BẢO và CTV