MỘT GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN
MỘT GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN
Năm 2021, cặp đôi Đại úy QNCN Trương Thanh Phong và Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Ánh được Tổng cục Chính trị vinh danh “Gia đình văn hoá tiêu biểu”. Từ niềm vui và tự hào, anh chị thấy cần phải cố gắng hơn nữa, phấn đấu vững chuyên môn nghiệp vụ và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Năm 2006, từ miền Tây Nam Bộ, anh Phong nhập ngũ vào Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Sau thời gian huấn luyện, anh được cử đi học ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chuyên ngành Quản lý văn hóa. Tốt nghiệp, anh trở về đơn vị cũ công tác. Lúc này, chị Ánh công tác tại Khoa dược, Bệnh viện Quân y 4. Là cán bộ phong trào của đơn vị, anh Phong đi tập huấn văn hoá văn nghệ ở địa phương và quen gia đình chị Ánh. Rồi anh chuyển về Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân đoàn. Đơn vị của hai người gần nhau, nên họ có dịp gặp gỡ, rồi yêu nhau. Vượt qua nhiều trở ngại và khác biệt, 02 năm sau, họ về chung một nhà.
Buổi đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn, vất vả. Để chăm lo cho gia đình nhỏ, anh Phong học quay phim, chụp ảnh, dựng phim và tranh thủ ngày nghỉ đi làm thêm, buổi tối thì nhận phim về làm hậu kỳ, chỉnh sửa ảnh. Năm 2013 thật đáng nhớ, giữa năm, họ đón con trai đầu lòng; cuối năm, chị Ánh được chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp. Cuộc sống của anh chị từng bước ổn định…
Năm 2018, anh Phong chuyển về Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, làm phóng viên quay phim. Từ đấy, anh thường đi công tác xa nhà, mọi việc trong gia đình chị Ánh là người quán xuyến. Có vợ chu toàn ở hậu phương, anh Phong thêm yên tâm khi thực hiện nhiệm vụ.
Thời điểm Covid-19 diễn ra ở Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, anh Phong có mặt ở tâm dịch để phản ánh tình hình chống dịch nên rất hạn chế về nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho vợ con. Lúc đó, do điều động của đơn vị, chị Ánh xuống công tác ở đơn vị cơ sở nên thường đi sớm về muộn. Để vừa đảm bảo công việc, vừa chăm sóc con chu đáo, chị Ánh phải tính toán thời gian, tranh thủ từng phút. Vợ chồng chỉ động viên nhau qua điện thoại. Thời điểm đó, cha anh Phong bị bệnh suy giảm trí nhớ. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của thủ trưởng các cấp, chị Ánh chuyển công tác về Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 (Quân chủng PK-KQ) cách nhà bố mẹ chồng chừng 50km.
Tháng 10-2021, khi TP. Hồ Chí Minh tạm ổn thì các tỉnh miền Tây lại bùng phát Covid-19. Lúc đó, đơn vị của chị Ánh cấm trại, còn anh Phong được tăng cường về chống dịch. Có lúc, vợ chồng con cái chỉ biết nhìn nhau qua cánh cổng… Đến khi cuộc sống dần trở lại bình thường, anh Phong trở về thành phố, còn chị Ánh cũng quen dần với công việc và cuộc sống ở Cần Thơ. Cuối tuần, hai mẹ con về thăm và đỡ đần ông bà nội một số việc, trong nhà, ngoài sân rộn tiếng cười trẻ nhỏ.
Huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, quê hương anh Phong, thời gian dịch Covid-19 hoành hành, nông sản vào vụ thu hoạch nhưng không bán được, trong khi nhiều nơi người dân thiếu lương thực. Từ thực tế ấy, anh Phong thành lập “Nhóm giải cứu nông sản Vĩnh Long” nhằm giải quyết hai vấn đề trên. Anh giới thiệu các doanh nghiệp và tổ chức thu mua nông sản cho bà con với giá bằng hoặc cao hơn thị trường, đồng thời, kết nối với các đơn vị vận chuyển hàng hoá để thông chốt, kịp thời nhận và giao hàng đúng thời gian. Trong vòng 03 tháng, nhóm giúp tiêu thụ được gần 300 tấn nông sản. Hiện, nhóm vẫn được duy trì giúp khâu đầu ra cho nông sản của tỉnh Vĩnh Long. Anh Phong còn kết nối các tổ chức, cá nhân hảo tâm trực tiếp tặng quà cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các em học sinh nghèo vượt khó ở huyện nhà.
Có gia đình làm điểm tựa, được người dân quê hương ủng hộ, Đại úy QNCN Trương Thanh Phong sẽ vững bước trên con đường đã lựa chọn.
Bài và ảnh: Khánh Dương