ĐIỂM TỰA CỦA PHỤ NỮ DÂN TỘC…
ĐIỂM TỰA CỦA PHỤ NỮ DÂN TỘC…
Sự quan tâm thiết thực của Hội phụ nữ Công ty 74 ( Binh đoàn 15 ) đã khích lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số phát huy tính chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu từ đôi bàn tay lao động trên chính quê hương mình.
Mô hình “Tổ tiết kiệm phụ nữ giúp nhau vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế” được Hội phụ nữ duy trì nhiều năm nay, chị em các tổ đội giúp nhau tăng gia sản xuất. Hội có 22 chi hội, tất cả đều có tổ tiết kiệm. Trong đó, Chi hội Đội 7 và Chi hội Đội 9, các chị đều là người dân tộc thiểu số nhưng vẫn duy trì tốt tổ tiết kiệm và đem lại hiệu quả thiết thực. Mỗi tháng, các thành viên trong tổ dành một khoản tiền nhất định và xoay vòng cho một cá nhân vay khi có việc cần đến. Tuy số tiền không lớn nhưng nếu biết sử dụng hiệu quả, cũng giúp được chị em vượt khó, để dần ổn định cuộc sống và gắn bó với Công ty.
Trường hợp chị Ksor H’Điêm cần vốn để mở rộng rẫy nhà, thì gặp lúc tổ tiết kiệm xoay vòng. Chị đăng ký vay tiền để mua phân bón. Nhờ vậy, hơn 1 hecta điều và 0,5 hecta cà phê được bón phân kịp thời, phát triển tươi tốt, cho năng suất cao, mang lại cho gia đình chị thu nhập gần 100 triệu đồng.
Nhiều chị em được vay vốn từ 3 đến 15 triệu đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Tổ tiết kiệm không chỉ là mô hình duy nhất, tùy vào điều kiện cụ thể, từng đơn vị còn đa dạng các hình thức huy động vốn, gây quỹ giúp nhau phát triển. Đó là, nuôi heo đất tiết kiệm; đổi ngày công gây quỹ; giúp ngày công chăm sóc, thu hoạch nông sản, v.v… Nhờ đó, nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số đã thoát nghèo bền vững, có gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Kinh tế khấm khá, chị em càng tích cực lao động sản xuất. Hội phụ nữ chú ý bồi dưỡng kiến thức phát triển kinh tế gia đình và lập quỹ để giúp hội viên phát triển sản xuất, chăn nuôi. Chị RơLan H’Keng ở Đội sản xuất số 2 chưa có nhà ở, con nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh. Có bao nhiêu tiền, vợ chồng dồn hết vào việc chữa bệnh cho con. Thấu hiểu hoàn cảnh, Hội phụ nữ đề xuất với Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty, xin hỗ trợ 70 triệu đồng cùng hàng chục ngày công giúp gia đình chị H’Keng xây nhà. Anh chị vay mượn thêm, xây được căn nhà 50m2 hết 110 triệu đồng. Ngôi nhà “Mái ấm tình thương” đã biến ước mơ của chị về một nơi ở khang trang thành hiện thực, mang lại niềm hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình. Anh Rơ mah Lưng, chồng chị H’Keng xúc động: Nhờ sự quan tâm chia sẻ của Hội phụ nữ Công ty nên gia đình mình có được ngôi nhà khang trang. Chỉ biết nói lời cảm ơn thôi, vợ chồng mình sẽ cố gắng làm việc thật chăm chỉ.
Ngoài việc hưởng ứng, triển khai hiệu quả các phong trào do Phụ nữ Quân đội phát động, Hội phụ nữ Công ty 74 còn có một số cách làm phù hợp, hướng đến những đối tượng thiệt thòi và dễ bị tổn thương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc “gắn kết hộ” là một trong những mô hình đem lại hiệu quả rõ rệt. Gia đình chị Lương Thị Thùy và Ksor H’Họ gắn kết với nhau hơn 3 năm nay. Trước đây, công nhân chỉ biết nhau trên nông trường, giờ đây họ trở nên thân thiết như người một nhà. Được chị Thùy hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, cuộc sống của gia đình chị H’Họ thay đổi từ nếp ăn, nếp nghĩ đến cách làm, cũng như chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái.
Đa số phụ nữ người dân tộc thiểu số ở địa phương đều có đất sản xuất, nhưng do thiếu kiến thức canh tác nên năng suất thấp. Hội phụ nữ Công ty tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Không chỉ tạo ra cơ hội nắm bắt kiến thức, mà còn là dịp để chị em giao lưu, tạo sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Nhiều năm qua, cán bộ, hội viên phụ nữ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều chị vượt chỉ tiêu giao khoán 103-110% kế hoạch năm.
ĐĂNG KHOA
Ảnh: ĐVCC