column_right getExtensions 1733301962-1733301962

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1733301962-1733301963

ĐIỂM SÁNG MẦM NON VÙNG BIÊN

ĐIỂM SÁNG MẦM NON VÙNG BIÊN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:10-11-2024

Điểm sáng mầm non vùng biên

NGUYỄN ANH SƠN

Xác định giáo dục mầm non là bậc học nền tảng đầu tiên của hệ thống giáo dục, những năm qua, Trường mầm non MB-716 (Binh đoàn 15) được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ để các cháu phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Trường có 12 điểm trường gắn với 12 đội sản xuất nằm dọc vành đai biên giới xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Hằng năm, Nhà trường đón nhận và nuôi dạy gần 300 cháu từ 4 tháng tuổi đến 5 tuổi. Với tình cảm và quan điểm “Dành những gì tốt nhất cho các cháu”, Binh đoàn 15 và Chi nhánh 716 đầu tư xây dựng trường, lớp khang trang, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, đồng bộ; đội ngũ giáo viên, nhân viên yêu nghề, yêu trẻ, chăm sóc các cháu như chính con của mình. Mới đây, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Cổ phần Thương mại Quân đội (MB) và Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, trường được xây dựng với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Gồm có Nhà hiệu bộ, rộng 254m2, trong đó có phòng hội trường, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên và phòng chức năng nhà trường. Nhà lớp học số 1 và nhà lớp học số 2, rộng 780m2, mỗi nhà lớp học có 3 phòng học - phòng ngủ, khu vệ sinh khép kín. Nhà bếp rộng 150m2. Ngoài ra, còn có các công trình phụ trợ, trang thiết bị dạy học, hệ thống cây xanh, đảm bảo cho 350 cháu học tập.

Cô giáo uốn nắn từng chữ viết, nét vẽ của các cháu

Trường đặt mục tiêu giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Hằng năm, Ban giám hiệu Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch học tập, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích giáo viên phát huy sáng kiến trong dạy học.

Cô Đặng Thị Mai Hoa - Hiệu trưởng Nhà trường cho hay, một trong những giải pháp được thực hiện để nâng cao công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện gắn với các cuộc vận động do ngành giáo dục phát động. Đồng thời, tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, góp phần tạo sự phát triển vững chắc của bậc học mầm non. Để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, Trường mầm non MB-716 chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động ăn nghỉ tại trường, bảo đảm an toàn cho trẻ, duy trì vệ sinh môi trường. Bếp ăn chú trọng thay đổi thực đơn theo tuần, theo mùa, tính khẩu phần ăn mỗi ngày để điều chỉnh nhu cầu hợp lý theo quy định của độ tuổi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó, 100% trẻ được cân đo, theo dõi qua biểu đồ, được khám sức khỏe định kỳ. Các trẻ đều phát triển bình thường về nhận thức, ngôn ngữ, cân nặng, chiều cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tại trường hàng năm đều giảm.

Trường được đầu tư cơ sở vật chất, đồ chơi, đồ dùng học tập đầy đủ

Cô giáo Lương Thị Lý, người đã có nhiều năm công tác tại trường, phấn khởi chia sẻ: Trường mầm non MB-716 là điểm sáng về giáo dục trên vùng biên Ia H’Drai. Nhà trường triển khai thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm” và “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện”. Cán bộ, giáo viên nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp nuôi dạy để các cháu phát triển đầy đủ, toàn diện, làm tốt công tác phổ cập trẻ trên địa bàn, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ em 5 tuổi trước khi bước vào lớp 1, đặc biệt là tăng cường tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số để khi vào lớp 1 trẻ thành thạo tiếng phổ thông, hòa nhập được với các bạn. Với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị và đặc điểm tâm lý lứa tuổi, dân tộc, các cô giáo đã lồng ghép nhiều hoạt động ngoại khóa như: Sử dụng đồ dùng học tập, đồ chơi tự tạo, các mô hình phương tiện giao thông, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, các loại rau củ quả, góc âm nhạc... để tăng tính trực quan, kích thích sự hiếu kỳ, thích tìm hiểu, khám phá của các cháu; tổ chức các trò chơi, hoạt động nhóm nhằm tạo môi trường cho các cháu tương tác, giao lưu với nhau, dần xóa bỏ những “rào cản” ngôn ngữ giữa các dân tộc. Qua đó, không chỉ tạo niềm tin tuyệt đối để phụ huynh yên tâm khi gửi con mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trên địa bàn đơn vị đứng chân, cùng với địa phương thực hiện tốt sự nghiệp trồng người.

Với những nỗ lực vượt khó không ngừng trong thời gian qua, cán bộ, giáo viên và nhân viên Trường mầm non MB-716 đã một lòng tâm huyết với sự nghiệp trồng người, cùng với đơn vị khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần “ươm mầm xanh” cho thế hệ tương lai tại các khu vực biên giới, góp sức vững bền trong xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc.

BÀI VIẾT NỔI BẬT