“BỆ ĐỠ” NÂNG BƯỚC CHỊ EM
“BỆ ĐỠ” NÂNG BƯỚC CHỊ EM
Quân đoàn 3 có 412 cán bộ, hội viên phụ nữ sinh hoạt tại 17 tổ chức hội cơ sở. Những năm qua, bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, các chị còn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Bộ Quốc phòng để phát triển kinh tế gia đình, tạo lập cuộc sống ổn định, khấm khá.
Đại úy QNCN Lê Thị Mận, nhân viên nấu ăn Lữ đoàn Pháo binh 40, năm 2016, được vay 20 triệu đồng không lãi suất từ nguồn vốn của Bộ Quốc phòng. Cùng với nguồn tiết kiệm của Hội phụ nữ Lữ đoàn hỗ trợ, chị đầu tư phát triển vườn cà phê của gia đình từ 03 sào lên 01 hecta. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” và có sự chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ của tổ chức hội, chị Mận từng bước tích lũy vốn, kiến thức, kỹ năng để triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện của gia đình. Mỗi năm thu nhập trên 70 triệu đồng ngoài lương, cuộc sống gia đình chị được cải thiện nhiều mặt.
Tương tự, Đại úy QNCN Nguyễn Thị Hoan, nhân viên nấu ăn Cục Kỹ thuật, cũng được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Bộ Quốc phòng năm 2018. Chị đầu tư phát triển 09 sào cà phê của gia đình. Nhờ đầu tư phân bón và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cà phê cho năng suất cao, hằng năm thu lãi trên 80 triệu đồng. Chị tâm sự, ban đầu chưa dám vay vốn vì công việc ở cơ quan chiếm hết thời gian rồi, lo đầu tư không hiệu quả, lại mang nợ. Nhưng được Hội phụ nữ động viên, giúp đỡ nên chị mạnh dạn nhận vay và lên kế hoạch đầu tư tỉ mỉ để tiết kiệm từng đồng vốn. Đến nay kinh tế gia đình chị đã khá hơn trước rất nhiều, có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con học đại học.
5 năm qua, Quân đoàn 3 đã có 60 lượt chị em được vay 540 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Bộ Quốc phòng. Để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả, Hội phụ nữ các đơn vị tổ chức tập huấn về các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình cho chị em. Khảo sát nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh của từng người để đưa ra những nhận định, gợi ý phù hợp trong sử dụng nguồn vốn, tránh sự lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Quá trình hội viên sử dụng nguồn vốn, Ban chấp hành Hội giám sát, theo dõi và có những tư vấn, hỗ trợ khi cần thiết. Bên cạnh đó, việc triển khai phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” với các mô hình tiết kiệm: Nuôi heo đất, các tổ, nhóm tiết kiệm xoay vòng, quỹ tiết kiệm tại các tổ chức hội... tạo nguồn vốn tại chỗ hơn 400 triệu đồng cho 160 lượt hội viên vay.
Đại úy QNCN Đoàn Thị Nga - Chủ tịch Hội phụ nữ Lữ đoàn 40, chia sẻ: Vấn đề quan trọng nhất trong sử dụng nguồn vốn vay là chị em phải có quyết tâm cao và chọn lựa mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Chủ yếu để tận dụng thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ và lao động nhàn rỗi của gia đình, không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị. Vì vậy, thời gian đầu, hội chọn người làm điểm, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng. Hiện nay, các hội viên vay vốn đều có thu nhập ngoài lương từ 60 đến 70 triệu đồng mỗi năm, cuộc sống ổn định.
Thượng tá QNCN Nguyễn Thị Hồng Minh - Trợ lý Phụ nữ Quân đoàn 3 khẳng định, nguồn vốn vay ưu đãi của Bộ Quốc phòng và các hoạt động tiết kiệm tạo nguồn vốn tại các tổ chức hội cơ sở rất quan trọng và thiết thực. Đó thật sự là “bệ đỡ” cho các chị em khó khăn phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo tâm lý phấn khởi, yên tâm công tác. Phân tích chất lượng hằng năm có 95,2% hội viên đạt 3 tiêu chuẩn, 98% chị em đạt chuẩn gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Tất cả cán bộ, hội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, trong đó có 35% hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt, phụ nữ Quân đoàn đã quyên góp hơn 2.000 bộ quần áo, 1.000 cuốn sách giáo khoa, vở các loại và hơn 1,5 tấn gạo, cùng nhiều loại thực phẩm khác hỗ trợ người nghèo, học sinh vùng dân tộc thiểu số; may hàng ngàn chiếc khẩu trang tặng các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN