KỸ SƯ TÔ LAN ANH
KỸ SƯ TÔ LAN ANH
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, người con gái Thái Bình, Tô Lan Anh được tuyển dụng về Phòng Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ mới - Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự.
Dù mới “bén duyên” với nghiên cứu khoa học quân sự, song chị đã ghi dấu với một số đề tài, sáng kiến hữu dụng. Xuất phát từ những chuyến đi thực tế tại các đơn vị, cảm nhận rõ hơn về sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ, Lan Anh tự thấy cần phải có những nghiên cứu thiết thực nhất.
Ngoài công việc tại phòng thí nghiệm, chị còn đi khảo sát, thử nghiệm thực tế. Công việc đòi hỏi phải dành nhiều thời gian, sự tập trung, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với những thách thức và tính cạnh tranh cao đòi hỏi thời gian nghiên cứu nhanh, sản phẩm mang tính cá biệt và chất lượng. Bên cạnh công việc, chị còn lo chu toàn cho gia đình, thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ nên phải nỗ lực, cố gắng gấp đôi.
Với đức tính cần cù, chịu khó, kiên trì, ham học hỏi và đam mê nghiên cứu khoa học; chị có được một số công trình nghiên cứu khoa học công nghệ được đánh giá cao. Để sản phẩm nghiên cứu có giá trị được đưa vào ứng dụng thì cần xuống tận đơn vị, ra ngoài thao trường, bám sát đặc thù của hoạt động huấn luyện, chiến đấu của bộ đội để thiết kế, tạo ra sản phẩm phù hợp nhất cho bộ đội sử dụng.
Thiếu tá Nguyễn Khánh Hoàng Việt - Trưởng phòng Công nghệ sinh học, nhận xét: Lan Anh rất chăm chỉ, kiên trì và chịu khó nghiên cứu, học hỏi, mau chóng nắm bắt và làm chủ công nghệ. Nhận thấy đây là một cán bộ trẻ có tiềm năng nên chỉ huy đơn vị tin tưởng giao tiếp quản chủ nhiệm đề tài “Hoàn thiện bộ trang bị nâng cao khả năng sinh tồn cho bộ đội trong điều kiện hoạt động độc lập trên biển” và được hoàn thành, có giá trị thực tiễn cao”.
Trung úy Tô Lan Anh cho biết, chính việc bộ đội ngày đêm căng mình trên thao trường nắng gió và dấn thân nơi rừng sâu, núi cao hay các tuyến biển đảo, là nguồn cảm hứng của chị trong các đề tài nghiên cứu. Từ năm 2017-2021, chị chủ trì thực hiện 02 đề tài và tham gia 06 đề tài, nhiệm vụ các cấp. Công trình “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất xà phòng sinh học dùng trong nước mặn, sử dụng cho bộ đội hoạt động trên vùng biển đảo” (2017) đoạt giải Nhì giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC). Công trình “Xây dựng và đánh giá cơ cấu dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bộ đội tàu ngầm”, giành giải Ba giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 18; giải Khuyến khích giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 19…
Do đặc thù nhiệm vụ, một số lực lượng đặc biệt của Hải quân, như thủy thủ tàu phải làm việc dưới nước, trong thời gian dài từ vài giờ đến vài ngày, ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió lớn... nên dễ bị thiếu thức ăn, nước uống, nhiễm lạnh, viêm da dị ứng. Đặc biệt, trong trường hợp gặp sự cố nguy hiểm không được cứu hộ kịp thời dễ bị giảm nhanh sức khỏe, mất sức chiến đấu, đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, việc nghiên cứu, chế tạo bộ trang bị sinh tồn cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt dưới nước là rất cấp thiết. Với tất cả tình cảm, trách nhiệm và tâm huyết, công trình nghiên cứu “Hoàn thiện bộ trang bị nâng cao khả năng sinh tồn cho bộ đội trong điều kiện hoạt động độc lập trên biển” do Trung úy Tô Lan Anh làm chủ nhiệm, đoạt giải Nhì giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 20.
Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng - Viện trưởng Viện Công nghệ mới, khẳng định: Đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ của đơn vị hiện nay chiếm 30% quân số, giữ vai trò quan trọng, tham gia vào tất cả các mặt trong lĩnh vực nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Những cán bộ trẻ như trung úy Tô Lan Anh đã chủ trì nhiều đề tài, dự án các cấp được nghiệm thu và đánh giá tốt. Trong những năm qua, Viện dành kinh phí hỗ trợ các đề tài nghiên cứu; đến năm 2020, chúng tôi đã hỗ trợ được hơn 10 tỷ đồng cho các đề tài khoa học.
Bài và ảnh: BÙI HÀ