KỲ HOA HẢI KHẨU
KỲ HOA HẢI KHẨU
Kỳ Anh, huyện cuối ở phía nam của Hà Tĩnh, thuở xưa vốn là vùng biên viễn của Đại Việt. Nơi đây là giới tuyến của nước Việt với Chân Lạp, Chiêm Thành rồi đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, lấy đèo Ngang làm nơi quyết chiến.
Cửa Hải Khẩu hình thành bởi 3 dòng sông nhỏ bắt nguồn từ chân núi Hoành Sơn đổ ra biển, đó là sông Quyền từ tây nam, sông Trí từ phía tây và sông Kinh Hạ từ tây bắc. Khi tới cửa biển Kỳ Ninh - Kỳ Hà, các dòng sông hợp lưu, tạo nên một vùng nước lớn gọi là sông Vịnh.
Phía bắc, cồn cát cao, có đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (thường gọi là Đền Bà Hải) - một nữ anh hùng của Đại Việt cuối triều Trần. Bà là tác giả cuốn Kê Minh Thập sách hiến kế giúp vua giữ nước và trị quốc.
Phía nam, núi Cao Vọng án ngữ, ngăn bão giông cho vùng dân cư đông đúc. Xa về phía tây bắc, núi Bàn Độ chót vót, mây vấn vít đỉnh trời. Nom như chiếc nón vàng óng ả úp xuống cánh đồng lúa hay mặt biển xanh, để người xưa ví von là “Kim Bàn Độ Hải” (chiếc mâm vàng trôi trên mặt biển).
Một vùng núi sông trời biển sơn thủy hữu tình, dày đặc huyền tích, sử thi, gắn với bao thăng trầm. Yêu biết mấy mỗi bình minh lên, mỗi hoàng hôn xuống…
Thực hiện: BÙI QUANG THANH
(Nhà thơ, Nhiếp ảnh gia)