column_right getExtensions 1713550670-1713550670

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1713550670-1713550670

QUY CHẾ LIÊN HOAN THỂ DỤC THỂ THAO PHỤ NỮ QUÂN ĐỘI NĂM 2022

QUY CHẾ LIÊN HOAN THỂ DỤC THỂ THAO PHỤ NỮ QUÂN ĐỘI NĂM 2022

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:28-05-2022

QUY CHẾ
Liên hoan Thể dục thể thao Phụ nữ Quân đội năm 2022

Đối tượng, số lượng, thành phần tham gia thi đấu tại Liên hoan

1. Đối tượng

Đối tượng tham gia thi đấu bóng chuyền hơi và nhảy dân vũ là hội viên phụ nữ (nữ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, học viên đào tạo, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng) thuộc các cơ quan, đơn vị trong toàn quân với điều kiện hội viên đó không phải là vận động viên bóng chuyền đã và đang thi đấu môn Bóng chuyền thể thao thành tích cao quân đội, quốc gia (đối với thi đấu bóng chuyền hơi); không phải diễn viên múa chuyên nghiệp hoặc học viên chuyên ngành múa (đối với thi nhảy dân vũ).

2. Số lượng, thành phần

Mỗi đơn vị tham gia Liên hoan thành lập 01 Đoàn vận động viên; trong đó:

- Đoàn trưởng: 01 đồng chí (là Thủ trưởng Cơ quan Chính trị hoặc tương đương).

- Lực lượng huấn luyện viên, quân y, phục vụ, bảo đảm: 03 đồng chí.

- Đội thi bóng chuyền hơi: 10 vận động viên (trong đó, 05 vận động viên chính thức thi đấu trên sân; 05 vận động viên dự bị, sẵn sàng thay người vào thi đấu theo quy định).

- Đội thi nhảy dân vũ: Tối thiểu 10 hội viên; tối đa 20 hội viên.

Thời gian, địa điểm tổ chức Liên hoan

Từ ngày 21/6/2022 đến ngày 24/6/2022 tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Miếu Môn, Chương Mỹ, Hà Nội).

QUY ĐỊNH THI ĐẤU BÓNG CHUYỀN HƠI NỮ TRONG LIÊN HOAN

1. Nội dung thi đấu

Thi đấu Bóng chuyền hơi nữ theo Luật thi đấu Bóng chuyền hơi ban hành kèm theo Quyết định số 1872/QĐ-TCTDTT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Tổng cục TDTT.

2. Sân bãi, dụng cụ, vật chất bảo đảm thi đấu

2.1. Sân bãi, lưới và cột lưới

Bảo đảm đúng kích thước và yêu cầu như quy định của luật thi đấu Bóng chuyền hơi ban hành kèm theo Quyết định số 1872/QĐ-TCTDTT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Tổng cục Thể dục thể thao.

2.2. Bóng thi đấu: Sử dụng quả bóng chuyền hơi của Công ty Động lực, khối lượng 250 gram.

2.3. Trang phục thi đấu: Các đội tự đảm bảo trang phục thi đấu đáp ứng yêu cầu trang phục phải thống nhất, cùng màu sắc và sạch sẽ; đi giầy thể thao, mềm; số áo của vận động viên thi đấu in từ 1 đến 10, số áo trước ngực phải cao ít nhất 10cm, số áo sau lưng phải cao ít nhất 15cm, nét chữ rộng 2cm.

3. Đội thi đấu

Mỗi đội có nhiều nhất là 10 vận động viên, 01 huấn luyện viên (có thể kiêm vận động viên). Số người trên sân là 05.

Chỉ những vận động viên đã có trong danh sách đăng ký tham gia thi đấu tại Liên hoan và trong biên bản mới được thi đấu. Đội trưởng trên sân phải đeo băng đội trưởng rõ ràng ở ngực áo, hoặc tay áo.

Khi đội trưởng trên sân thay ra, huấn luyện viên hoặc đội trưởng chỉ định vận động viên khác đang thi đấu trên sân làm đội trưởng.

4. Huấn luyện viên và vận động viên

Huấn luyện viên và vận động viên phải hiểu và thực hiện đúng luật thi đấu, tuân thủ quyết định của trọng tài, đạo đức, tác phong, tinh thần cao thượng. Nếu có thắc mắc chỉ đội trưởng trên sân là người duy nhất được quyền yêu cầu trọng tài giải thích; huấn luyện viên không có quyền thắc mắc, khiếu nại.

Huấn luyện viên và vận động viên phải tôn trọng trọng tài và đối phương, không được có bất cứ hành vi nào ảnh hưởng tới quyết định của trọng tài; không được có hành động hoặc biểu hiện nào kéo dài hoặc cố ý trì hoãn trận đấu.

Trước trận đấu, huấn luyện viên phải đăng ký tên, số áo vận động viên vào biên bản thi đấu và ký tên. Trước mỗi hiệp đấu phải nộp phiếu báo vị trí vận động viên trên sân cho trọng tài thứ hai.

Khi kết thúc trận đấu, hai đội trưởng phải ký biên bản xác nhận kết quả thi đấu.

5. Chọn sân, đổi sân, tạm dừng

Trước khi đấu hiệp thứ nhất và hiệp thứ ba (hiệp quyết thắng) trọng tài cho đội trưởng hai đội rút thăm chọn sân, chọn quyền phát bóng. Có 05 phút khởi động trước khi bắt đầu đấu hiệp thứ nhất cho một đội; nếu hai đội khởi động chung sẽ là 10 phút.

Thời gian nghỉ giữa hiệp 1 và 2 là 03 phút. Thời gian nghỉ giữa hiệp 2 và 3 là 05 phút. Hết hiệp thứ nhất hai đội đổi sân. Trong thời gian nghỉ giữa hai hiệp các vận động viên được ra khỏi sân để nghe huấn luyện viên chỉ đạo.

Bất kì đội nào được 8 điểm trước ở hiệp quyết thắng thì hai đội đổi sân nhưng không được nghỉ và nghe chỉ đạo. Giữ nguyên vị trí sau khi đổi sân tiếp tục thi đấu, đội đang phát bóng tiếp tục phát.

Nếu có vận động viên trên sân chấn thương, trọng tài thứ nhất phải thổi còi dừng trận đấu, cho thay người. Nếu không thể thay người đúng luật thì cho phép thay người “đặc biệt” hoặc cho vận động viên bị thương nghỉ 3 phút để hồi phục. Nếu vận động viên này không thể tiếp tục thi đấu thì đội ấy thua hiệp đó nhưng giữ nguyên tỉ số điểm và hiệp.

Nếu đang thi đấu phải ngừng trận đấu do yếu tố khách quan mà trong vòng hai giờ sau đó vẫn thi đấu tiếp trên sân đang thi đấu thì vẫn tính tỉ số điểm của hai đội và đội hình cùng vị trí như trước lúc ngừng thi đấu. Nếu phải đấu lại trên sân khác thì giữ nguyên tỉ số điểm của các hiệp đã thi đấu, bỏ số điểm hiệp đang đấu dở để thi đấu tiếp hiệp mới với đội hình và vị trí trên sân như đã đăng ký ở hiệp phải tạm ngừng. Nếu quá hai giờ mới tiếp tục đấu được thì cho đấu lại từ đầu.

6. Vị trí trên sân của vận động viên

Đội hình thi đấu của hai đội là hàng trước ba người, hàng sau hai người. Hàng trước: Vị trí bên phải là số 2, bên trái là số 4, ở giữa là số 3. Hàng sau: bên phải là số 1, bên trái là số 5. Trước khi bắt đầu mỗi hiệp đấu, vận động viên trên sân phải đứng đúng đội hình ghi trong phiếu báo vị trí và giữ nguyên thứ tự này trong suốt hiệp đấu.

Sau phát bóng, vận động viên có thể đến bất cứ vị trí nào trên sân mà không bị vi phạm luật. Tuy nhiên, vận động viên hàng sau không được lên chắn bóng.

Bắt đầu hiệp, mới được thay đổi đội hình thi đấu. Được phép đưa các vận động viên đăng ký trong biên bản vào đội hình thi đấu mới.

7. Hội ý

Mỗi hiệp mỗi đội được xin phép hai lần hội ý. Thời gian mỗi lần hội ý là 1 phút. Chỉ lúc bóng chết, huấn luyện viên và đội trưởng trên sân mới được xin trọng tài cho phép hội ý. Chỉ được hội ý sau khi trọng tài cho phép. Khi trọng tài thứ nhất thổi còi, trận đấu phải tiếp tục ngay.

Trọng tài không cho phép một đội xin hội ý 3 lần trong một hiệp đấu. Nếu xảy ra thì trọng tài từ chối và cảnh cáo. Nếu cùng một hiệp lại xảy ra trường hợp trên thì phạt đội phạm luật mất quyền phát bóng nếu đang phát và đối phương được điểm. Nếu đối phương đang phát bóng thì đối phương được 1 điểm và tiếp tục quay vòng phát bóng.

Khi hội ý, vận động viên ra khỏi sân để nghe huấn luyện viên chỉ đạo.

8. Thay người

Mỗi đội mỗi hiệp được thay người nhiều nhất 5 lần. Theo quy định, mỗi người vào sân thay cho một người ra sân được tính là 1 lần thay người (vào lúc bóng chết). Huấn luyện viên hoặc đội trưởng trên sân được đề nghị trọng tài cho phép thay người đồng thời nói rõ số áo của người thay, khi thư ký ghi vào biên bản xong trận đấu mới tiếp tục.

Huấn luyện viên không được chỉ đạo khi thay người. Một đội muốn xin thay người mà chưa qua một pha đấu thì không được thay người tiếp.

Một vận động viên đăng ký trong đội hình thi đấu của hiệp, tức vận động viên chính thức, chỉ được thay ra sân một lần. Nếu vận động viên chính thức đã ra, thay lại vào sân đấu tiếp trong cùng hiệp đó thì chỉ thay đúng vị trí của vận động viên bị thay ra.

Mỗi hiệp, vận động viên dự bị chỉ được thay vào sân một lần cho bất kỳ vận động viên chính thức nào thi đấu trên sân. Trong cùng một hiệp, vận động viên dự bị này chỉ được thay ra đúng vị trí vận động viên chính thức đã thay.

Khi trọng tài cho phép thay người, vận động viên thay vào phải sẵn sàng vào sân ở khu 2m. Nếu người thay không sẵn sàng vào sân thì đội đó bị phạt tạm dừng một lần hội ý.

9. Phát bóng

Khi phát bóng, phải để bóng rời tay, rõ ràng rồi mới dùng bàn tay hoặc một cánh tay đánh bóng trực tiếp qua lưới sang sân đối phương giữa hai cọc giới hạn. Khi bóng qua sân bị chạm lưới không phạm luật.

Đội rút thăm được quyền phát bóng ở hiệp thứ nhất và hiệp quyết thắng, do vận động viên ở khu số 1 phát bóng. Đội phát bóng đầu tiên ở hiệp thứ 2 là đội không được phát bóng ở hiệp thứ nhất.

Đội phát bóng thắng một pha bóng được 1 điểm. Đội đỡ phát bóng được quyền phát bóng thì vận động viên trên sân phải xoay một vòng theo chiều kim đồng hồ. Vận động viên mới chuyển đến khu số 1 thực hiện lần phát bóng này. Mỗi lần phát bong, người phát chỉ được phát một lần. Lần phát tiếp theo phải do cầu thủ theo thứ tự xoay vòng xuống thực hiện. Xoay vòng phát bóng không đúng thứ tự phát bóng. Đội sai thứ tự phát bóng phải xoay lại vòng cho đúng vị trí và mất quyền phát bóng, đối phương được điểm. Phải xoá toàn bộ số điểm đội đã giành được do sai thứ tự phát bóng mà có được.

Vận động viên phát bóng phải đứng trong khu phát bóng. Người phát bóng được di chuyển tự do hoặc nhảy phát trong khi phát nhưng lúc tay chạm bóng chân không được dẫm vạch hoặc ở ngoài khu phát. Đánh bóng xong được phép rơi vào trong sân thi đấu.

Sau hiệu còi của trọng tài thứ nhất, người phát bóng phát bóng đi trong vòng 8 giây. Người phát bóng tung nhưng không đánh bóng và trong khi bóng rơi chạm đất không chạm người phát bóng thì trọng tài thứ nhất cho phát bóng lại, nhưng trong vòng 8 giây của lần phát.

Đội phát không được dùng bất kỳ hành động nào che chắn không cho đối phương quan sát người phát và đường bay của bóng.

Bóng phát sang, đội đỡ phát không được đập bóng ngay mà phải thông qua ít nhất 1 lần đội đỡ phát đã chạm bóng (Đối phương có thể đệm, búng bóng, bỏ nhỏ sang luôn sân đối phương. Nhưng không được nhảy đập luôn bằng 1 tay).

10. Đánh bóng

Một đội được phép chạm bóng 3 lần để đưa bóng qua lưới sang sân đối phương. Một người không được chạm bóng liền 2 lần.

Được phép dùng bất kỳ bộ phận nào của cơ thể để chạm bóng. Bóng có thể chạm các phần khác nhau của cơ thể cùng một lúc nhưng phải cùng một động tác, cùng một lần dùng sức.

Được phép dùng các động tác khác nhau đánh bóng. Giữ bóng hoặc hoãn xung nhưng bóng đứng lâu trên người mới đánh bóng đi là phạm lỗi dính bóng.

Hai, ba người của một đội cùng đánh chạm bóng chỉ tính một lần chạm bóng. Người đã chạm bóng không được đánh bóng tiếp ngay.

Sau khi hai người của hai đội cùng chạm bóng trên lưới, bóng rơi sang sân nào thì đội đó được phép đánh chạm bóng tiếp 3 lần nữa; nếu bóng rơi ngoài sân bên nào thì đội bên kia đánh bóng ra ngoài sân.

Hai người cùng giữ bóng lâu trên lưới tính cùng phạm lỗi, cho phép đánh lại pha bóng.

Nếu một đội chạm bóng 4 lần liền (trừ chắn bóng) thì phạm lỗi 4 lần chạm bóng.

Hai tư thế đánh bóng được coi là phạm lỗi: Thứ nhất, đứng trên mặt sân dùng hai tay đập bóng sang (vồ bóng); thứ hai, đệm bóng 2 tay không thành một khối, mỗi tay chuyển động 1 ngả.

11. Bóng bay sang sân đối phương

Bóng qua sân đối phương phải trong không gian bóng qua mặt phẳng thẳng đứng của lưới có giới hạn hai bên là hai cọc ăngten kể cả đường kéo dài của nó.

Bóng khi qua sân đối phương được chạm lưới. Vận động viên đánh bóng vào lưới mà bóng chưa rơi chạm đất thì vận động viên khác được phép đánh bóng tiếp.

Bóng chạm ăngten, vào phần lưới ăngten hoặc chạm dây căng lưới cũng như khán giả hoặc bất kỳ vật gì đều là ngoài sân.

Khi toàn bộ đã ngoài mặt phẳng thẳng đứng của lưới và dưới lưới là bóng ngoài được phép đánh bóng trở lại nhưng bóng không vượt qua mặt phẳng thẳng đứng của lưới và phần kéo dài của cọc giới hạn.

12. Qua đường giữa sân và chạm lưới

Vượt đường giữa sân là lúc bất kỳ bộ phận nào của cơ thể sang và chạm sân bên kia khi đang thi đấu là phạm lỗi qua đường giữa sân. Trừ trường hợp 1 bàn tay, 2 bàn tay, 1 bàn chân, 2 bàn chân chưa sang toàn bộ.

Khi đang thi đấu bất kỳ phần nào cơ thể vận động viên chạm lưới trong sân hoặc chạm lưới ngoài sân mà làm ảnh hưởng thi đấu là phạm lỗi chạm lưới. Tuy nhiên, lúc đập bóng và chắn bóng sau khi thực hiện xong động tác có chạm lưới nhẹ mà không gây ảnh hưởng đến đối phương thì cho qua, không bắt lỗi chạm lưới.

Bóng đối phương đánh vào lưới chạm vận động viên đội bạn thì không tính lỗi đội bạn chạm lưới.

13. Đánh tấn công

Đánh bóng trực tiếp sang sân đối phương là đánh bóng tấn công (đập bóng, bỏ nhỏ, chuyền bóng, đệm bóng).

Bất cứ một vận động viên nào ở hàng sau đều có thể đánh bóng tấn công bất kỳ quả bóng ở độ cao nào nhưng khi bật nhảy đập bóng chân không được dẫm hoặc vượt vạch 2m, nếu không bị phạm lỗi.

Vận động viên ở khu 2m không được đập quả bóng cao hơn mép trên của lưới mà được chuyền bóng sang sân đối phương có độ vồng lên hoặc ngang bằng lúc qua lưới.

14. Chắn bóng

Ba vận động viên hàng trước được chắn bóng đơn hoặc chắn tập thể khi đối phương tấn công. Bóng có thể chạm nhanh hoặc chạm liên tiếp một hoặc vài lần người chắn bóng. Người chắn bóng xong, được đánh bóng tiếp.

Khi chắn bóng, bóng có thể chạm tay hoặc bất cứ bộ phận nào của thân thể. Vận động viên chắn bóng được đưa bàn tay hoặc cánh tay qua lưới chắn bóng.

Không tính chắn bóng là một lần chạm bóng, sau chắn bóng được phép chạm đánh bóng ba lần nữa.

Hai vận động viên hàng sau không được lên hàng trước chắn bóng. Nếu tham gia chắn và có hành động như chắn bóng là phạm lỗi.

Không được phép chắn quả phát bóng của đối phương cũng như chắn quả bóng từ đối phương sang khi bóng đang ở khu 2m. Chỉ được chắn những quả đánh tấn công sau vạch 2m.

15. Cách tính kết quả thi đấu

Được điểm: Đội đang phát bóng hay đỡ phát bóng thắng 1 pha bóng đều được 1 điểm.

Thắng 1 hiệp: Đội nào được 25 điểm và hơn đối phương 2 điểm thì thắng hiệp đó. Ở hiệp quyết thắng, đội nào được 15 điểm và hơn đối phương 2 điểm thì mới thắng ở hiệp quyết thắng.

Thắng 1 trận: Đội nào thắng 2 hiệp trước thì thắng trận.

Đội nào đến sân không đúng giờ đấu mà không có lý do chính đáng thì coi như bỏ cuộc, đội kia thắng trận với tỉ số 2:0 và tỉ số mỗi hiệp là 25:0.

Phát hiện 01 vận động viên tham gia thi đấu không đúng đối tượng đã quy định thuộc đội nào thì xử đội ấy thua 01 hiệp đối với đội còn lại; phát hiện từ 02 vận động viên trở lên tham gia thi đấu không đúng đối tượng đã quy định thuộc đội nào thì xử đội ấy thua cả trận đối với đội còn lại và không được xếp giải, tặng thưởng trong Liên hoan.

QUY ĐỊNH TRONG THI NHẢY DÂN VŨ TẠI LIÊN HOAN

1. Nội dung thi

Thi Nhảy dân vũ trên nền nhạc một bài hoặc kết hợp một số bài nhạc với chủ đề về tình yêu quê hương đất nước; ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; niềm tự hào về truyền thống, phẩm chất tốt đẹp người Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Quân đội.

2. Hình thức, phương pháp thi
  • Các đơn vị khu vực phía Bắc thi trực tiếp tại Hội trường Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4. Thứ tự thi được xác định qua hình thức bốc thăm.
  • Các đơn vị từ Quân khu 4 trở vào khu vực phía Nam thi gián tiếp qua video clip vào một buổi riêng theo thứ tự do Ban Tổ chức xác định.
3. Quy định về thời gian, chất lượng bài thi và video clip dự thi
  • Thời lượng mỗi bài thi cả trực tiếp và gián tiếp qua video clip từ 05 đến 07 phút.
  • Đối với thi trực tiếp: Các đội thi có mặt tại địa điểm thi trước thời gian bắt đầu buổi thi từ 15 đến 30 phút; thời gian chuẩn bị của mỗi đơn vị là 05 phút. File nhạc nền và hình ảnh chiếu led minh họa (nếu có) của bài thi cần đảm bảo chất lượng tốt, không rung, giật.
  • Đối với các đơn vị thi gián tiếp qua video clip cần đảm bảo yêu cầu bài dự thi có chất lượng âm thanh, hình ảnh sinh động, rõ nét, không rung, giật; định dạng đuôi file.mp4; chất lượng hình ảnh: HD, tối thiểu 720p, tối đa 1080p; tỉ lệ khung hình 16:9.
4. Đội thi, trang phục

Đội thi nhảy dân vũ đảm bảo tối thiểu 10 hội viên; tối đa 20 hội viên.

Trang phục dự thi do đơn vị tự đảm bảo, mang nét đẹp văn hóa của phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Quân đội, không trái với thuần phong mỹ tục, phù hợp với chủ đề bài dự thi.

5. Điểm thi

5.1. Phương pháp chấm điểm

  • Tổng điểm thi nhảy dân vũ của mỗi đội tối đa là 50 điểm, trong đó:
    1. Về nội dung âm nhạc và dàn dựng: 15 điểm.
    2. Về nghệ thuật, diễn xuất: 20 điểm.
    3. Về trang phục biểu diễn: 5 điểm.
    4. Số lượng hội viên tham gia, thời lượng bài thi bảo đảm: 5 điểm.
    5. Khả năng nhân rộng của bài thi: 5 điểm.
  • Các thành viên Ban Giám khảo chấm điểm trên phiếu chấm điểm do Ban Tổ chức phát hành, có chữ ký xác nhận.
  • Từng thành viên Ban giám khảo chấm điểm độc lập, tuân thủ Quy chế và các quy định của Ban Tổ chức; điểm lẻ được tính đến 0,1 điểm. Nếu có sự chênh lệch tổng điểm giữa các thành viên Ban Giám khảo từ 2 điểm trở lên thì Ban Giám khảo sẽ hội ý để thống nhất.
  • Giám khảo vắng mặt hoặc đến chậm 1/4 thời gian thi của một buổi thi sẽ không tham gia chấm điểm tất cả các đội trong buổi thi đó.
  • Điểm tính thành tích là điểm trung bình cộng của Ban Giám khảo đối với tiết mục dự thi của mỗi đội.

5.2. Tiêu chí chấm điểm

a) Về nội dung âm nhạc và dàn dựng: Điểm tối đa là 15 điểm

Ban Giám khảo chấm theo 3 tiêu chí sau:

  • Nội dung âm nhạc đúng chủ đề, có sự uyển chuyển trong kết hợp giữa các bản nhạc, bài hát khác nhau (nếu có): Chấm tối đa 5 điểm
  • Nội dung dàn dựng chất lượng tốt, hài hòa giữa âm nhạc và điệu nhảy, đảm bảo đúng thuần phong mỹ tục, không có các hình ảnh, nội dung phản cảm: Chấm tối đa 5 điểm.
  • Truyền tải thông điệp tích cực và có tính tư tưởng cao: Chấm tối đa 5 điểm.

b) Về nghệ thuật, diễn xuất: 20 điểm.

  • Thể hiện được chủ đề bài hát, bản nhạc: Chấm tối đa 05 điểm.
  • Các động tác đều, đẹp, đúng nhạc, nhịp nhàng, khỏe khoắn: Chấm tối đa 05 điểm.
  • Diễn xuất của các thành viên trong đội thi tự tin, khuôn dung tươi tắn, biểu cảm, truyền cảm hứng, cuốn hút người xem: Chấm tối đa 05 điểm.
  • Có tính sáng tạo trong bố trí đội hình và diễn xuất, có hình ảnh chiếu led minh họa hiệu quả cho bài thi: Chấm tối đa 05 điểm.

c) Về trang phục biểu diễn

Trang phục đẹp, lịch sự, thể hiện sự khỏe khoắn, mang nét đẹp văn hóa của phụ nữ Việt Nam, không trái với thuần phong mỹ tục, phù hợp với bài thi: Chấm tối đa 05 điểm

d) Số lượng hội viên tham gia, thời lượng bài thi

  • Số lượng hội viên tham gia bảo đảm trong khoảng từ 10 đến 20 hội viên: Chấm tối đa 2,5 điểm.
  • Thời lượng bài thi bảo đảm từ 05 đến 07 phút: Chấm tối đa 2,5 điểm.

e) Khả năng nhân rộng của tiết mục

Tiết mục có khả năng nhân rộng đối với tổ chức Hội, hội viên phụ nữ trong toàn quân và phản ánh nét đặc trưng của phụ nữ Quân đội; có thể sử dụng thành một bài nhảy dân vũ truyền thống của Phụ nữ Quân đội: Chấm tối đa 05 điểm.

5.3. Điểm trừ

  • Nội dung âm nhạc và dàn dựng không đúng chủ đề; thiếu sự hài hòa giữa âm nhạc và động tác; có nội dung phản cảm: Tùy theo mức độ trừ từ 01 đến 05 điểm.
  • Về nghệ thuật, diễn xuất: Không thể hiện được chủ đề bài hát, bản nhạc; động tác chưa đều, thiếu nhịp nhàng; biểu diễn thiếu tự tin, biểu cảm; bài thi chưa có tính sáng tạo: Tùy theo mức độ trừ từ 01 đến 05 điểm.
  • Trang phục biểu diễn thiếu hài hòa với nội dung và điệu nhảy; gây khó khăn trong thực hiện động tác; có chi tiết phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục: Tùy theo mức độ trừ từ 01 đến 05 điểm.
  • Số lượng hội viên tham gia ít hơn hoặc nhiều hơn so với quy định, cứ 01 người trừ 0,5 điểm. Cứ phát hiện 01 hội viên tham gia thi không đúng đối tượng thì trừ 5 điểm vào thành tích chung cho tới phát hiện 04 hội viên tham gia thi không đúng đối tượng thì hủy kết quả thi đấu và không xếp thành tích của toàn đội.
  • Thời lượng của bài thi ngắn hơn hoặc dài hơn so với quy định, cứ 30 giây trừ 0,5 điểm.
  • Đội thi nào làm công tác chuẩn bị kéo dài so với quy định cứ 01 phút trừ 01 điểm. Đội thi nào công tác chuẩn bị kéo dài quá 05 phút do lỗi chủ quan thì đội thi tiếp theo sẽ được dự thi trước và chuyển đội chậm muộn thi vào cuối buổi, đồng thời trừ vào thành tích 05 điểm.

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT, KIẾN NGHỊ, KHIẾU NẠI

1. Căn cứ xếp loại và xét khen thưởng

1.1. Căn cứ xếp loại và xét khen thưởng trong thi đấu bóng chuyền hơi

  • Ban Tổ chức căn cứ kết quả các trận đấu trong từng Bảng, việc chấp hành Quy chế Liên hoan của các đội, điểm trừ (nếu có)... để tính thành tích và xếp loại các đội thi bóng chuyền hơi nữ theo từng Bảng:
    1. Đội đạt giải Nhất của Bảng thi đấu: Thắng cả hai trận đấu trong Bảng; không vi phạm đến mức bị hủy kết quả thi đấu và không được xếp giải theo quy định ở điều 22 của Quy chế.
    2. Đội đạt giải Nhì của Bảng thi đấu: Thắng trận đấu đầu tiên và thua trong trận đấu xác định giải Nhất, giải Nhì trong Bảng; không vi phạm đến mức bị hủy kết quả thi đấu và không được xếp giải theo quy định ở điều 22 của Quy chế.
    3. Đội đạt đồng giải Ba của Bảng thi đấu: Là hai đội thua trong trận đấu 1 và trận đấu 2 của Bảng thi đấu; không vi phạm đến mức bị hủy kết quả thi đấu và không được xếp giải theo quy định ở điều 22 của Quy chế.
  • Trên cơ sở đánh giá của Tổ Trọng tài, Ban Tổ chức lựa chọn một số cá nhân xuất sắc để đề xuất khen thưởng đối với cá nhân trong thi đấu.

1.2. Căn cứ xếp loại và xét khen thưởng trong thi nhảy dân vũ

  • Ban Tổ chức căn cứ đánh giá của Ban Giám khảo, việc chấp hành Quy chế Liên hoan của các đội, điểm trừ (nếu có)... để tính thành tích và xếp loại các đội thi nhảy dân vũ:
    1. Đội thi xếp loại xuất sắc: Đạt điểm trung bình cộng của Ban Giám khảo từ 45 điểm trở lên, không vi phạm đến mức bị hủy kết quả thi đấu và không xếp thành tích của toàn đội theo quy định ở điều 27 của Quy chế.
    2. Đội thi xếp loại tốt: Đạt điểm trung bình cộng của Ban Giám khảo từ 40 điểm đến 44,9 điểm, không vi phạm đến mức bị hủy kết quả thi đấu và không xếp thành tích của toàn đội theo quy định ở điều 27 của Quy chế.
  • Trên cơ sở đánh giá của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức lựa chọn một số cá nhân xuất sắc để đề xuất khen thưởng đối với cá nhân trong thi đấu.
  • Khen thưởng của thi nhảy dân vũ tại Liên hoan xét trên cơ sở điểm trung bình cộng của Ban Giám khảo, và hình thức, số lượng khen thưởng theo Kế hoạch đã được Thủ trưởng Ban VSTBCPN phê duyệt. Trường hợp hai đội thi bằng điểm nhau mà số lượng chỉ được chọn một đội, ưu tiên đội thi thuộc đơn vị tham gia cả hai môn thi đấu, đội thi có trung bình cộng tuổi của các hội viên dự thi cao hơn, đội thi đóng quân ở địa bàn đặc thù vùng sâu, vùng xa.

1.3. Căn cứ xếp loại và xét khen thưởng toàn đoàn

  • Chỉ xếp loại và xét khen thưởng toàn đoàn với các cơ quan, đơn vị tham gia cả hai nội dung thi đấu.
  • Ban Tổ chức căn cứ xếp giải bóng chuyền hơi nữ và thành tích thi nhảy dân vũ của các cơ quan, đơn vị để tính thành tích toàn đoàn. Cách tính cụ thể như sau: Giải Nhất bóng chuyền hơi nữ tính tương đương 50 điểm; Giải Nhì tương đương 45 điểm, Giải Ba tương đương 40 điểm cộng với điểm thi nhảy dân vũ của các đơn vị để ra điểm tổng xếp toàn đoàn. Theo đó, thành tích và xếp loại toàn đoàn được xác định như sau:
    1. Thành tích xuất sắc toàn đoàn: Đạt tổng điểm hai môn thi đấu từ 90 điểm trở lên.
    2. Thành tích tốt toàn đoàn: Đạt tổng điểm hai môn thi đấu từ 80 điểm đến 89,9 điểm.
2. Khen thưởng

Căn cứ kết quả, Ban Tổ chức tổng hợp báo cáo đề nghị Thủ trưởng Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân:

2.1. Khen thưởng tập thể

  • Tặng cờ kèm tiền thưởng đối với các tập thể đạt thành tích xuất sắc và thành tích tốt toàn đoàn.
  • Tặng Bằng khen kèm tiền thưởng và cúp lưu niệm đối với các tập thể đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong thi đấu môn bóng chuyền hơi nữ; tặng Bằng khen đối với các tập thể đạt thành tích xuất sắc và thành tích tốt trong thi nhảy dân vũ.
  • Tặng Bằng khen kèm tiền thưởng đối với các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, phục vụ, bảo đảm cho Liên hoan.

2.2. Khen thưởng cá nhân

  • Tặng Bằng khen kèm tiền thưởng đối với cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thi đấu.
  • Tặng Bằng khen kèm tiền thưởng đối với các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, phục vụ, bảo đảm Liên hoan.

* Thành tích của các đơn vị được tính vào kết quả hoạt động VSTBCPN và bình đẳng giới năm 2022.

3. Kỷ luật
  • Các đội thi phải chấp hành nghiêm Quy chế, sự điều hành của Ban Tổ chức, Tổ Trọng tài, Ban Giám khảo và kỷ luật trong suốt quá trình tham gia Liên hoan. Nếu vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, hạ thành tích của đội hoặc xóa bỏ thành tích trong tham gia Liên hoan.
  • Các cá nhân tham gia Liên hoan phải chấp hành nghiêm Quy chế, sự điều hành của Ban Tổ chức, Tổ Trọng tài, Ban Giám khảo và kỷ luật trong suốt quá trình tham gia Liên hoan, nếu vi phạm kỷ luật đến mức phải xử lý, thì xét theo Điều lệnh và các quy định hiện hành. Vi phạm Quy chế Liên hoan, tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, cảnh cáo hạ thành tích của cả đội hoặc đình chỉ thi (tùy theo mức độ vi phạm).
  • Ban Tổ chức sẽ hủy bỏ kết quả thi, thành tích của toàn đội, toàn đoàn với những trường hợp vi phạm Quy chế ở mức độ nghiêm trọng.
Điều 31. Kiến nghị, khiếu nại
  • Trong quá trình diễn ra Liên hoan, nếu có những vấn đề cần kiến nghị, khiếu nại, thành viên của các đoàn báo cáo với trưởng đoàn; trưởng đoàn phản ánh các thông tin khiếu nại lên Ban Tổ chức.
  • Ban Tổ chức chỉ tiếp nhận, phối hợp giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo từ trưởng đoàn của các cơ quan, đơn vị trong thời gian kể từ Khai mạc cho tới trước 1 tiếng so với thời gian bắt đầu Bế mạc Liên hoan (nếu có).
  • Mọi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không đến từ các trưởng đoàn và sau thời gian quy định không có giá trị và không được xem xét giải quyết.

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:5
Trong ngày:202
Trong tuần:1844
Trong tháng:1844
Cả năm:1844
Tổng lượt xem:1844