HỘI THẢO QUỐC TẾ TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG GÌN GIỮ HOÀ BÌNH
HỘI THẢO QUỐC TẾ
Tăng cường vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hoà bình
Ngày 10-6-2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có Quyết định số 2133/QĐ-BQP, cử Trung tá Lê Thị Thanh Hồng - Trợ lý Ban Công tác quần chúng (Phòng Chính trị Học viện Hậu cần) tham dự Hội thảo quốc tế phụ nữ: “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình”, theo lời mời của Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Mông Cổ, từ ngày 16-6 đến 18-6-2022. Hội thảo do Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu phối hợp với Bộ Ngoại giao, Viện Nghiên cứu chiến lược nước này đăng cai tổ chức tại Thủ đô Ulaanbaatar dưới sự bảo trợ của Tổng thống Mông Cổ.
60 đại biểu đến từ 30 quốc gia, thảo luận việc triển khai chiến lược bình đẳng giới thống nhất của Liên hiệp quốc (LHQ), tập trung vào việc giải quyết các rào cản đối với tuyển dụng đào tạo và lựa chọn nữ binh trong quân đội các nước, đảm bảo sự bình đẳng và tham gia có ý nghĩa vào việc gìn giữ hoà bình (GGHB).Hội nghị khẳng định vai trò của nữ giới trong giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình, phản ứng của người dân tộc thiểu số và tái thiết đất nước sau chiến tranh. Kêu gọi các biện pháp cụ thể bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực tình dục liên quan đến xung đột... Liên hợp quốc, đặc biệt là Bộ hoạt động hòa bình, năm 2022 đã theo đuổi chính sách tăng cường vai trò của nữ giới trong lực lượng GGHB.
Tham luận của Trung tá Lê Thị Thanh Hồng đề cập thảm họa kinh hoàng chưa được loại bỏ ở tất cả các quốc gia trên thế giới và xung đột chính trị đang diễn ra trong một môi trường chính trị hết sức phức tạp. Việt Nam có một lực lượng đáng kể tham gia trong các hoạt động GGHB của LHQ, và hiện đang tăng cường sự tham gia của nữ quân nhân.
Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam tham gia hoạt động này, đáp ứng tỷ lệ nữ binh sĩ theo Nghị quyết 1325 của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh. 6 năm qua, Việt Nam cử 20 nữ quân nhân trong đội hình BVDC2 (BVDC2.1 và BVDC2.2 mỗi bệnh viện 10 người, chiếm tỷ lệ gần 16%) và 4 nữ sĩ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân, cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do LHQ đưa ra. Hiện nay, Đội công binh biên chế 295 quân nhân, dự kiến có 45 nữ, đáp ứng tỷ lệ của LHQ. Việt Nam mang đến một cách tiếp cận rất mới: Lực lượng GGHB LHQ không chỉ đơn thuần hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình mà còn là các “sứ giả” của tình hữu nghị, gần gũi, thân thiện với người dân bản địa, giúp đỡ cộng đồng dân cư ở đó. Những thầy thuốc quân y Việt Nam tận tụy hết lòng chăm sóc người bệnh, trồng rau xanh, may và phát khẩu trang phòng chống Covid-19… làm cho người dân các nước thêm yêu mến Việt Nam.
Nhấn mạnh việc các nữ binh sĩ tham gia lực lượng GGHB là điều cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh thế giới; các nước bày tỏ sự ủng hộ sáng kiến của LHQ, nghị quyết thúc đẩy vai trò của nữ giới và tôn vinh công lao của họ. Thiếu tá Alek-sey Fein Bold, cố vấn về giới (Bộ tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Mỹ) khẳng định tại hội thảo: Giới tính không đơn giản chỉ là các vấn đề của phụ nữ, mà còn bao gồm vấn đề của nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai.
Việc cử đại diện tham gia Hội thảo quốc tế về Phụ nữ - Hòa bình và An ninh nhằm thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế; để lại ấn tượng tích cực về vai trò của Phụ nữ Quân đội ta trong thế kỷ XXI.
Tin, ảnh: PV