column_right getExtensions 1732180333-1732180333

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732180333-1732180334

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TIẾT KIỆM

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TIẾT KIỆM

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:25-03-2023

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TIẾT KIỆM

Tranh cổ động học tập đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh (2015)

Sinh thời, tiết kiệm là một nội dung được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng. Người luôn đề cao vai trò và ý nghĩa của việc tiết kiệm trong điều kiện kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn.

Tiết kiệm là yêu nước

Để dễ hiểu, Người đưa ra khái niệm, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to hơn cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.

Bác Hồ chỉ rõ tiết kiệm ở các nội dung cụ thể: Tiết kiệm sức lao động; Tiết kiệm thời gian; Tiết kiệm tiền của; Tất cả mọi người đều phải cùng tiết kiệm. Trong đó, tiết kiệm sức lao động chính là cách để tăng năng suất lao động của mỗi cá nhân. Số người sử dụng ít đi nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, chất lượng công việc, ấy là tiết kiệm! Thời giờ chính là tiền bạc, mỗi giờ trôi qua đều không thể lấy lại được nên việc gì cũng cần làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Tiết kiệm tiền của nghĩa là cần khéo thu vén, tránh lãng phí. Tất cả mọi người cùng tiết kiệm. Đây là nguồn gốc để tạo nên sức mạnh bền vững của đất nước. Bởi ai cũng có thể tiết kiệm và ai cũng nên tiết kiệm!

Bác kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thi đua cần kiệm xây dựng cơ đồ tươi đẹp. Nhờ vậy, phong trào tiết kiệm, chống lãng phí được cả nước sôi nổi hưởng ứng.

Đến thăm Xưởng may 10 (nay là Tổng công ty May 10) ngày 8-1-1959, Bác Hồ căn dặn phải chú ý tiết kiệm trong sản xuất

Ngời sáng, mẫu mực về tiết kiệm

Không chỉ kêu gọi mọi người tiết kiệm, tự Bác Hồ luôn nêu tấm gương sáng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906-2000) kể, ăn cơm với Cụ lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm. Khi dùng các món ăn bao giờ Bác cũng dùng hết, không để thừa, đổ phí. Hồi năm 1957, Người về thăm quê, ăn cơm với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, khi thấy đưa thêm thức ăn, Bác nhẹ nhàng nhắc, dùng hết hãy lấy, chớ để thừa.

Mỗi lần đi công tác, Bác thường cho mang theo cơm nắm muối vừng. Trên đường đi, tới giờ cơm thì dừng lại chỗ nào đó thuận tiện, Bác cháu cùng ăn với nhau, đỡ phiền cho địa phương, mất thời giờ của mọi người.

Hồ Chí Minh tiết kiệm mọi thứ, từ tờ giấy trở đi. “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai, ba lần”. Bác thường tận dụng mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam để viết.

Về y phục, Bác Hồ chỉ có hai bộ quần áo kaki dùng khi tiếp khách. Ở nhà, Người thường mặc bộ bà ba giản dị. Có lần Bác đi thăm nước bạn, các đồng chí phục vụ bí mật may thêm một bộ giống như bộ Người đang dùng. Tuy đã giặt nhiều lần cho cũ đi nhưng Bác vẫn phát hiện ra và phê bình. Ai cho các chú may thêm? Bác chỉ cần hai bộ. Nhân dân ta còn đang thiếu vải mặc, Bác dùng như vậy là đủ rồi.

Người nêu gương từ những việc nhỏ nhất

Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành được điều to tát. Bác Hồ chỉ rõ: “Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm... mà lợi cho dân rất nhiều”. Bác nêu tấm gương ngời sáng về tiết kiệm, để mỗi người Việt Nam soi vào đó, sửa chữa và ai cũng có thể làm theo.

*

Những năm tháng gian nan của đất nước đã lùi xa. Tuy vậy, những khó khăn, thách thức vẫn còn đó. Trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nội dung tiết kiệm luôn được nhấn mạnh. Đây không phải là chuyện xa xôi mà đó chính là những việc làm thiết thực hằng ngày.

Những bài học về tiết kiệm của Bác Hồ rất giản dị và sâu sắc đối với các thế hệ người Việt Nam. Những thay đổi trong tư tưởng, nhận thức sẽ tác động đến hành động của mỗi cá nhân. Mỗi người bằng những cách khác nhau hãy thực hành tiết kiệm trong mọi lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

VŨ ĐẠT
Ảnh: Tư liệu

BÀI VIẾT NỔI BẬT