TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
Dưới chế độ phong kiến, Nho giáo có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người Việt Nam, trong đó có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Để thực sự giải phóng phụ nữ, cần có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức để thay đổi thành kiến đối với phụ nữ. Cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ trước hết là cuộc cách mạng về tư tưởng, nhận thức, đấu tranh chống lại các quan niệm lạc hậu về vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, trong Chánh cương vắn tắt đã nêu rõ: về phương diện xã hội thì thực hiện “nam, nữ bình quyền”. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo giải phóng phụ nữ cũng như bồi dưỡng, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ nữ. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, có phẩm chất đạo đức, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh vững vàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng một cách toàn diện vào công cuộc đổi mới đất nước. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW (12-7-1993) về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong các văn kiện, nghị quyết, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm phát huy vai trò của phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.
Hiện nay, phụ nữ nước ta chiếm 50,8% dân số và 48% lực lượng lao động xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới, phụ nữ Việt Nam luôn sát cánh cùng toàn dân phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và có những đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định xã hội cũng như những cống hiến xuất sắc trong việc chăm lo xây dựng gia đình, nuôi dưỡng các thế hệ công dân tương lai của đất nước. Không những vậy, nhiều phụ nữ còn mang lại những vinh quang lớn cho đất nước trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật, thể thao; vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, trong xã hội ta hiện nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ chưa thực sự bị xóa bỏ một cách triệt để. Định kiến về giới còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội. Khoảng cách về sự bất bình đẳng giữa nam và nữ vẫn còn tồn tại khá lớn, nhiều chị em vẫn bị đối xử bất công so với nam giới. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng. Bên cạnh đó, một bộ phận chị em vẫn còn tư tưởng tự ti, an phận thủ thường. Điều này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thực hiện bình đẳng giới và thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực sẽ đóng góp một phần hết sức quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập của đất nước. Những năm qua, việc thực hiện bình đẳng giới ở Học viện Hậu cần đã đạt được nhiều tiến bộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Nhận thức của các cấp ủy đảng, đơn vị về bình đẳng giới ngày càng được nâng lên. Công tác lồng ghép giới vào chương trình hành động và nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị ngày càng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội đặc biệt là lĩnh vực chính trị để tương xứng với vai trò, vị trí của phụ nữ trong thời gian qua vẫn chưa đạt so với mục tiêu đề ra. Từ thực tế trên, việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện bình đẳng giới nhằm tìm ra những hạn chế, từ đó đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội phát triển; khẳng định vai trò, vị thế của chị em trong xã hội, đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là rất cần thiết.
Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động xã hội, vận động phụ nữ và mọi đối tượng trong Học viện Hậu cần tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới. Thực hiện có kết quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện các chương trình hành động.
LÊ THỊ THANH HỒNG
Học viện Hậu cần