NGÀY GIA ĐÌNH, NHỚ LỜI BÁC DẠY
NGÀY GIA ĐÌNH, NHỚ LỜI BÁC DẠY
Gia đình là nơi khởi nguồn và hình thành nhân cách của mỗi con người, là cơ sở nảy sinh lòng yêu nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Người khẳng định: “Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Trong thư gửi các thầy cô giáo, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng (31-10-1955), Bác Hồ viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”. Người mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em có kết quả tốt đẹp.
Tháng 6-1957, Bác căn dặn cán bộ ngành giáo dục: “Phải nhất thiết liên hệ mật thiết với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Bác Hồ khuyên mọi người phải quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ văn hóa, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với gia đình và đất nước.
Người nhắc các cụ phụ lão đốc thúc con cháu tham gia công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn. Trong gia đình, cha mẹ phải làm gương cho con trẻ, từ lời nói đến việc làm. Xã hội còn nhiều sự cám dỗ đối với trẻ em, gia đình chính là nơi bảo vệ và giúp cho trẻ duy trì được lối sống văn hóa.
Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình tạo dựng cơ sở cho sự ổn định xã hội. Gia đình với tất cả các mối quan hệ bên trong đang biến đổi trong thời kỳ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa hướng tới hiện đại. Xây dựng gia đình với tiêu chí “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, có vai trò quan trọng.
Bác Hồ vốn sinh trưởng trong một gia đình mang đậm truyền thống Việt Nam. Vì lẽ đó, có thể vận dụng văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh để giáo dục mỗi thành viên trong gia đình. Đây là điều cần thiết hiện nay, đem lại nhận thức đúng đắn về quan hệ xã hội, tránh được những biểu hiện lệch lạc do mặt trái của cơ chế thị trường. Vậy nên, giáo dục gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm vi riêng lẻ mà phải rộng toàn xã hội. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn.
Và chính Người đã nêu một tấm gương mẫu mực về sự quan tâm chăm sóc trẻ thơ, để các cháu được hưởng quyền dân chủ, được vui chơi và học hành. Bác rất coi trọng việc giáo dục thiếu nhi biết kính yêu thầy cô và giúp đỡ cha mẹ.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày 28-6-2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28-6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam, đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội, quan tâm xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là mốc quan trọng để người Việt hướng về cội nguồn, nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc.
Hiện nay, nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ phai nhạt, khiến cho nhiều gia đình Việt lâm vào khủng hoảng, nền tảng xã hội thiếu vững chắc. Ngày Gia đình Việt Nam trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, động viên mọi người thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc.
“Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” và “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” là chủ đề của Tháng hành động Vì trẻ em và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, những quan điểm của Người về gia đình nói riêng sẽ trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
THANH HUYỀN
Ảnh: Tư liệu