ĐÓN XUÂN, NHỚ BÁC HỒ
ĐÓN XUÂN, NHỚ BÁC HỒ
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhất là trong thời khắc giao thừa, trong lòng mỗi con dân đất Việt lại dạt dào tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, biết ơn công lao trời biển của Người dành cho nước, cho dân.
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm, chăm lo đối với các tầng lớp nhân dân. Từ tháng Chạp, Bác đã nhắc các cơ quan, ban, ngành, địa phương phải chuẩn bị chu đáo cho dân đón Tết; nhắc Văn phòng chuẩn bị thiệp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến đồng bào, chiến sĩ ở mọi miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài. Giao thừa năm nào Người cũng có thơ xuân mừng đất nước với lời chúc Tết toàn dân. Những vần thơ giản dị của Bác Hồ có sức cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Khi sức khỏe còn cho phép, Người đi thăm và tặng quà Tết cho bộ đội và nhân dân, động viên những người lao động; thăm hỏi người có hoàn cảnh khó khăn. Tết Nguyên đán năm 1946, Tết độc lập đầu tiên của đất nước, Bác Hồ đến thăm gia đình một người đạp xích lô nghèo ở ngõ Sinh Từ (Hà Nội). Tết năm 1960, Bác thăm gia đình một góa phụ nuôi 4 đứa con ở phố Hàng Chĩnh (Hà Nội)... Không chỉ trực tiếp thăm hỏi, động viên, tặng quà người nghèo, Người còn nhắc nhở chính quyền địa phương phải chú ý tạo công ăn việc làm cho bà con lao động, tránh trường hợp người dân “Tết mà không có Tết”.
Trong bài “Mừng Tết Nguyên đán thế nào?”, trên báo Nhân Dân số 2132, ngày 28-1-1960, Bác Hồ viết: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân. Nên nhớ rằng chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy. Các đồng chí cán bộ ta cần phải hướng dẫn đồng bào làm cho ngày Tết vui vẻ và tưng bừng, tiết kiệm và thắng lợi”. Bác cũng khuyên mọi người trong ba ngày Tết, mặc dù vui chơi là cần thiết, nhưng phải biết điều độ, không quá mức làm ảnh hưởng đến việc tăng gia sản xuất, học tập. Bên cạnh việc nhắc nhở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bác cũng thường nhắc mọi người đón Tết, vui xuân trong ngày đầu năm nhưng không được quên nhiệm vụ mà phải nghĩ đến công việc của cả năm.
Một trong những việc làm đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 28-11-1959, Người đã phát động “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Chính vì vậy, hằng năm, Bác Hồ viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây và Người trực tiếp tham gia trồng cây. Bác biểu dương các địa phương, đơn vị, cá nhân có thành tích trồng cây và nhắc nhở những nơi chưa quan tâm đúng mực việc này. Bác lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây, gây rừng trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam trong dịp năm mới.
Hơn nửa thế kỷ, kể từ khi Bác Hồ đi xa, nhưng những việc làm và lời căn dặn của Người vẫn đọng mãi trong tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như với từng người dân. Thực hiện lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phong trào trồng cây, góp phần làm cho đất nước “càng ngày càng xuân” như Bác hằng mong muốn.
Đại tá, PGS, TS.PHẠM VĂN SƠN
Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự
Ảnh: TL