column_right getExtensions 1732210968-1732210968

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732210968-1732210968

HỌC BÁC TỪ ĐIỀU NHỎ NHẤT

HỌC BÁC TỪ ĐIỀU NHỎ NHẤT

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:15-02-2023

HỌC BÁC TỪ ĐIỀU NHỎ NHẤT

Đã qua lâu rồi thời kỳ khó khăn, ăn đói, mặc rét. Giờ đây, ăn no, mặc ấm là điều rất bình thường trong xã hội. Nhiều người đã có điều kiện để thực hiện ăn ngon, mặc đẹp. Theo các kết quả khảo sát về sức khỏe của người Việt Nam những năm gần đây, tình trạng béo phì, thừa cân, bệnh tim mạch và cả suy dinh dưỡng do thiếu chất trong các tầng lớp dân cư gia tăng đến mức đáng lo ngại, nhất là nhóm cư dân thành thị. Nhiều người đổ thừa tất cả do “an toàn, vệ sinh thực phẩm”. Nhưng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng của mỗi người thiếu khoa học.

Lựa chọn thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe cho gia đình
Ảnh: Thành Duy

Sau mỗi đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ, các cơ quan lại rộ lên phong trào “ăn kiêng”, “giảm cân”. Nhiều người thực hiện chế độ ăn uống rất nghiêm ngặt, quân số ăn tại bếp tập thể được duy trì rất cao. Tuy nhiên, chỉ sau dăm bữa, nửa tháng, phong trào “xẹp dần” và xuất hiện trở lại những bữa tiệc tràn trề dinh dưỡng và bia rượu cùng những tiếng “zô, zô…”. Đến khi kiểm tra sức khỏe định kỳ lần sau lại hiện lên các chỉ số rất cao (H) của men gan, uric, triglyxerid, glucose; rồi xơ vữa động mạch, thừa cân…. Cái vòng luẩn quẩn đó chưa bao giờ chấm dứt.

Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, con trẻ được chăm sóc “tận răng”, hễ nghe ở đâu có thực phẩm gì tốt, sữa gì có hàm lượng dinh dưỡng cao… là cha mẹ tìm mua bằng được để “tẩm bổ”. Con lười ăn, ăn ít thì tăng bữa, bốn bữa chưa ổn thì tăng lên 6 bữa mỗi ngày… Báo hại cơ chế tiêu hóa của đứa trẻ vượt ngưỡng dinh dưỡng, nên béo phì là chuyện tất yếu. Tiếp đó, trẻ lại trở thành nạn nhân của quy trình “giảm béo” do các bà mẹ tiến hành. Bé nhìn gì cũng thèm nhưng mẹ không cho ăn vì… phải “giảm béo”. Thậm chí có trường hợp trẻ béo phì nhưng vẫn suy dinh dưỡng do thiếu chất vì dinh dưỡng không cân đối. Có cháu phát triển quá sớm do chế độ dinh dưỡng, mới học cấp 1 đã “dậy thì” làm lệch quá trình phát triển tự nhiên… Cái vòng luẩn quẩn “suy dinh dưỡng - béo phì - sức khỏe không bình thường” làm tổn hại những năm tuổi thơ tươi đẹp nhất là điều không hiếm gặp ở nhiều trẻ hiện nay.

Mâm cơm gia đình đơn giản nhưng đầy đủ dinh dưỡng
Ảnh: Internet

Một trong những tiêu chí phản ánh sức khỏe cơ thể tập trung nhất ở mọi lứa tuổi đó là tình trạng mạch máu và chỉ số sinh hóa của máu. Thông thường, người cao tuổi nếu chế độ dinh dưỡng không được quan tâm đúng cách sẽ dễ dẫn đến hiện tượng xơ, vữa mạch máu; một số chỉ số sinh hóa sẽ vượt ngưỡng cho phép, dẫn đến các bệnh tim mạch, tốc độ lão hóa nhanh. Sinh thời, Bác Hồ là một tấm gương mẫu mực về duy trì chế độ dinh dưỡng rất khoa học. Thời kháng chiến gian khổ đã đành, Bác thường xuyên sinh hoạt cùng anh em bảo vệ, no đói như nhau. Khi hoà bình lập lại, có điều kiện hơn, nhưng bữa cơm của vị Chủ tịch nước vẫn hết sức giản dị, toàn các món dân tộc, tương cà, cá kho… thường là chỉ 3 món trong đó có bát canh, khá hơn là 4 - 5 món thôi. Người duy trì vừa đủ dinh dưỡng để làm việc, hợp khẩu vị mà không đòi hỏi hình thức. Dù khi tiếp khách hay ăn uống hằng ngày, Bác đều yêu cầu làm thức ăn vừa đủ, tránh làm nhiều, ăn không hết, lãng phí. Khi ăn, có món gì ngon không bao giờ Người ăn một mình, mà san sẻ cho người này, người kia rồi sau cùng mới đến phần mình, thường là phần ít nhất. Bác muốn dùng món gì hết món ấy, thức ăn đã bày ra thì không được bỏ phí. Ăn xong, thu xếp bát đũa gọn gàng, để đỡ vất vả cho người phục vụ…

Thoạt nghe, cứ ngỡ đâu Người kỹ tính. Nhưng ít ai biết có những giây phút Bác Hồ nâng bát cơm ăn mà nặng lòng nghĩ đến đồng bào, từ cụ già, đến em bé còn nhiều vất vả… mới thấu hiểu tấm lòng cao cả của Người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác luôn nhất quán từ hoạt động lãnh đạo cách mạng đến từng hành vi nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày. Việc duy trì nếp sinh hoạt, ăn uống của Bác cũng gợi mở cho ta nhiều điều, giúp tháo gỡ cái vòng luẩn quẩn trong cuộc sống hiện nay.

Trong mỗi gia đình, phụ nữ thường là người chủ đạo bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho cả nhà. Từng thành viên ăn cái gì, ăn bao nhiêu, chế biến như thế nào, ăn vào lúc nào… đều do một tay chị em. Học tập gương Bác Hồ, mỗi người cố gắng tạo không khí vui vẻ để khuyến khích các thành viên sum họp trong những bữa cơm gia đình đầm ấm. Chị em cần học hỏi, nâng cao nhận thức về khoa học dinh dưỡng. Khi tính toán thực đơn cho bữa ăn cần cân nhắc chủng loại, định lượng thức ăn cho vừa đủ, phù hợp với khả năng tiêu hóa và cân đối dinh dưỡng. Đổi mới phương pháp chế biến cho mỗi món ăn ngày càng hấp dẫn cả về sắc, hương, vị. Động viên mọi người dùng hết thức ăn mỗi bữa, tránh để thừa mứa.

Làm được điều tưởng như bình thường đó cũng là một việc khó nhưng hết sức ý nghĩa với bảo đảm sức khỏe cho gia đình; thể hiện một cách xuất sắc vai trò của người “xây tổ ấm” và thực hiện được một nội dung học tập và làm theo Bác Hồ trong cuộc sống hằng ngày.

Thanh Tâm

BÀI VIẾT NỔI BẬT