NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CAO CẢ
NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CAO CẢ
Cuộc thi clip tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 do Tổng cục Chính trị tổ chức đã chuyển tải được nhiều thông điệp, với những câu chuyện làm xúc động lòng người…
Từ năm 1985, nhận nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng, củng cố tiềm lực thế trận quốc phòng trên vùng đất Tây Nguyên, với những nỗ lực không mệt mỏi, những người lính Binh đoàn 15 đã làm thay đổi diện mạo vùng đất mới. Kiên trì thuyết phục, tận tình hướng dẫn, bà con người dân tộc thiểu số dần thay đổi nhận thức, vươn lên thắng đói nghèo lạc hậu. Nhiều công nhân người địa phương trở thành thợ cạo mủ giỏi, có thu nhập ổn định, phụ nữ làm chủ được cuộc sống, chăm sóc bản thân và gia đình. Người dân hiểu được lợi ích của việc cho con em đến trường, không còn giữ nếp lạc hậu để trẻ lên rẫy lay lắt kiếm sống; các em được quyền bình đẳng như các trẻ người Kinh. Đến lớp không chỉ được chăm sóc, học tập, các em nhỏ còn được đơn vị hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày; được giao tiếp tiếng phổ thông khá thành thạo, đủ tự tin để học lên. Thành công bước đầu trong công tác giáo dục mầm non của Binh đoàn 15 đã góp phần “Ươm mầm xanh nơi biên giới”.
Hình ảnh nữ quân nhân Bộ đội Biên phòng với các hoạt động “Chung tay hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, “Hành trình thắp sáng niềm tin”, “Sát cánh cùng trẻ em biên giới” trên địa bàn cả nước như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn..., chân thực và xúc động, lan tỏa hình ảnh đẹp của người lính mang quân hàm xanh.
Đó là câu chuyện về Đại úy QNCN Hoàng Thị Liên Phương – Dược sĩ Đại đội 24, Trung đoàn 148, Quân khu 2. Cảm thương, chia sẻ trước số phận éo le của cháu Nguyễn Bảo Ngọc (xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) không có bố, mồ côi mẹ từ năm 8 tuổi, chị đã bàn bạc với gia đình và nhận cháu về nuôi. Ước mơ về một mái ấm gia đình trọn vẹn đã trở thành hiện thực, Ngọc có gia đình thứ hai, có những người yêu thương và luôn bên cạnh chăm sóc cho em. Bảo Ngọc giờ đây đang học cấp 2 tại Trường THCS Lưỡng Vượng, là con ngoan, trò giỏi, được mọi người quý mến. Ký ức tuổi thơ với những gam màu tối sẽ dần lùi xa với em, sự thiệt thòi của Ngọc đã được bù đắp bằng sự đùm bọc và chở che của gia đình mới. Tình yêu thương con người, tình cảm gia đình sẽ giúp hàn gắn mọi vết thương, đó là những giá trị thiêng liêng nhất cần được trân trọng và lan tỏa – thông điệp mà clip “Mái ấm cho em” gửi đến với người xem giản dị, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc và ý nghĩa.
“Lời ru nơi xứ đạo” của Hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An là câu chuyện về hoạt động nhân đạo, từ thiện, chăm sóc trẻ tật nguyền, không nơi nương tựa ở vùng đồng bào có đạo, mang giá trị nhân văn, tình đoàn kết quân dân, đoàn kết lương giáo.
Những nỗ lực của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nổi bật là việc chữa trị bệnh tật và tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho bệnh nhân nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được khắc họa với phóng sự “Nụ cười cho em”.
Với cách trình bày logic, chặt chẽ; phương pháp hiện đại, “Đường tới ước mơ” hấp dẫn người xem bởi hiệu quả hình ảnh, âm thanh tốt. Clip giới thiệu hoạt động, chương trình thiện nguyện của Tập đoàn Công nghệ Viễn thông (CNVT) Quân đội hỗ trợ giúp đỡ trẻ em khó khăn về thiết bị và kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu học tập trong thời đại công nghệ 4.0; nhất là trong điều kiện học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tác phẩm phản ánh hiệu quả, giá trị xã hội trong hoạt động; cổ vũ các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển xã hội hài hòa, tiến bộ...
Mỗi clip dự thi phản ánh một nét đặc sắc riêng của từng đơn vị, nhưng tựu trung đều làm tỏa sáng phẩm chất đẹp của Phụ nữ Quân đội, Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Điều đó đã làm nên thành công cho cuộc thi, hướng con người tới những giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ.