BẢN HÙNG CA CỦA “MÁU VÀ HOA”
BẢN HÙNG CA CỦA “MÁU VÀ HOA”
Bài và ảnh: Hải Vân – Hằng Ny
Trong ký ức và tâm thức các thế hệ người dân Việt từng trải, khó ai có thể quên được những ngày tháng Tư lịch sử của 50 năm trước (1975-2025) thời điểm cả dân tộc ta cùng ngân lên bài ca thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Nửa thế kỷ từ ngày kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài nhất trong lịch sử, một trang sử mới được mở ra cho một dân tộc yêu chuộng hòa bình và không tiếc máu xương chiến đấu giành độc lập, tự do. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta càng trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và sự phát triển bền vững của đất nước.
Chiều 15-4-2025, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) chủ trì phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 7 tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca của PNQĐ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Tham dự có Thiếu tướng Bế Hải Triều - Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị (TCCT); Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc - Chính ủy Quân khu 7; lãnh đạo Bệnh viện 175, Quân khu 5, Học viện Lục quân, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Binh đoàn 15, 16; Viện Chiến lược và Lịch sử Quốc phòng Việt Nam (CL&LS QPVN); bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam. Cùng đại biểu các cơ quan TCCT; các cơ quan chính trị, Trưởng phòng (ban) công tác quần chúng, Trợ lý Phụ nữ: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng (QUTW-BQP) phía Nam; lãnh đạo Hội LHPN TP. HCM; Hội LHPN các tỉnh: Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau; Ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh; Hội phụ nữ Công an TP. HCM; Đại diện lãnh đạo quận Phú Nhuận (TP. HCM)...

50 bài tham luận tâm huyết, từ các chuyên gia, các nhà giáo, nhà báo, nhà khoa học và lãnh đạo Hội LHPN từ Trung ương tới các tỉnh, thành trong cả nước; cơ quan chính trị của nhiều đơn vị đã được Ban Tổ chức tập hợp vào cuốn Kỷ yếu. Một con số mang ý nghĩa đặc biệt ghi dấu 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một số tham luận được chọn trình bày tại buổi Tọa đàm thể hiện sự khách quan, dân chủ và khoa học trong nghiên cứu, đánh giá ý nghĩa lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc cũng như vai trò, đóng góp to lớn của phụ nữ toàn quân trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Các tham luận khắc họa, phân tích, làm rõ ba cụm nội dung chủ đạo: “Đại hùng ca chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam”; “Bản hùng ca của Phụ nữ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” và PNQĐ phát huy truyền thống, viết tiếp chiến công, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.


Chương trình Tọa đàm có sự hiện diện của nhiều “nhân chứng sống” là các nữ Anh hùng LLVTND với những chiến công xuất sắc. Đó là: Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi, chiến đấu lập công khi còn rất trẻ; Đại tá Nguyễn Thị Thảo, 2 lần bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung, không khuất phục; Đại tá Đoàn Thị Ánh Tuyết, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn với những trận đánh vang dội giữa lòng thành phố; Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo) với bản lĩnh và tài trí tuyệt vời đã lấy được nhiều tài liệu tối mật của địch, đóng góp vào thành tích chung của Cụm tình báo H63 anh hùng, là niềm tự hào của lực lượng Tình báo Quốc phòng Việt Nam. Các đại biểu đã được sống lại với lịch sử bằng những những phóng sự tài liệu đầy đặn, lắng đọng lại nhiều cảm xúc về một thời “bom cày, đạn xới”… kiêu hãnh với “dáng đứng Việt Nam” của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.

Thay mặt Ban Tổ chức, Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng ban PNQĐ đã tặng hoa, trao quà và gửi lời tri ân sâu sắc đến những người đã trực tiếp chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975.
Đại tá, TS Lê Thanh Bài - Phó Viện trưởng Viện CL&LS QPVN mở đầu với tham luận “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam”. Đại tá Võ Thanh Sơn - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre với “Chiến công oanh liệt của “Đội quân tóc dài” và “Bộ đội Thu Hà” trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Trong tham luận “Những cống hiến của đơn vị nữ pháo binh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, Đại tá Mai Thị Ngọc - Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Pháo binh cho biết: “Điều đặc biệt ở tất cả các đơn vị nữ pháo binh là các thành viên đều là những phụ nữ đang trực tiếp lao động sản xuất tại địa phương, chưa qua trường lớp đào tạo về sử dụng vũ khí pháo binh. Như Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thủy, thành viên là những cô gái có tuổi đời còn rất trẻ, trong khi vũ khí được trang bị là những khẩu pháo 85mm có khối lượng lên đến 1,72 tấn, tính năng kỹ chiến thuật phức tạp; nhưng trước yêu cầu nhiệm vụ, với lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đánh giặc, các chị đã xung phong tham gia chiến đấu, tự học, tự nghiên cứu để làm chủ vũ khí, chiến đấu bảo vệ quê hương”. Những chia sẻ tâm huyết của bà Phạm Thị Diệu - Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, qua “Đấu tranh vũ trang của phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, khẳng định: Những người phụ nữ chân chất, hiền lành, hết mực yêu chồng, thương con, bất đắc dĩ phải cầm súng chiến đấu, các chị rất mưu trí, sáng tạo, dũng cảm. Trước kẻ thù hung hãn có vũ khí tối tân, hiện đại, thì chị em đánh giặc bằng cách rất riêng của mình.

“Hoa thép trong lửa đạn” phóng sự do Ban PNQĐ phối hợp với Trung tâm PTTH Quân đội thực hiện đưa khán giả đi dọc hành trình cống hiến của các thế hệ PNQĐ từ 21 năm lịch sử kháng chiến chống Mỹ với những tấm gương bình dị lặng lẽ nhưng cũng vô cùng kiên cường, bất khuất, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc đến sự trưởng thành, lớn mạnh của cán bộ, hội viên phụ nữ toàn quân trong giai đoạn hiện nay. Với hàng chục nghìn phụ nữ Quân đội có mặt ở hầu khắp các loại hình đơn vị, đóng quân trên mọi miền đất nước và tham gia hầu hết các lĩnh vực công tác, trong đó có những lĩnh vực công tác mang tính đặc thù cao như: Huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, tham gia lực lượng hòa bình của Liên hợp quốc, sản xuất vũ khí, đạn dược, nghiên cứu khoa học, y học quân sự, báo chí, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao… chị em đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Quân đội.

Phóng sự của Cục Chính trị Quân khu 5 với chủ đề “Bản hùng ca của Phụ nữ Khu 5 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” và “Những chiến công vang dội của Phụ nữ Giải phóng khu Đông Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược” do Cục Chính trị Quân khu 7 thực hiện với nội dung giàu cảm xúc là những lát cắt lịch sử về hình ảnh của phụ nữ Khu 5 và Đông Nam Bộ, với lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng độc lập, tự do, cùng với phụ nữ cả nước và PNQĐ đã phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, tham gia trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận và đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975. Mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của các chị đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương và từ trong khói lửa chiến tranh đã có rất nhiều tấm gương được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Bi tráng, hào hùng và tự hào - đó là cảm xúc của toàn thể đại biểu khi được sống lại cùng lịch sử qua những hình ảnh tư liệu quý giá, những “Bản hùng ca bất diệt” của PNQĐ. Ngưỡng mộ, cảm phục, biết ơn và tự hào về một “thời hoa lửa” hào hùng.

21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, PNQĐ đã chung nhịp bước quân hành, hòa vào dòng thác thời đại, viết lên bản hùng ca bằng máu, bằng sự hy sinh oanh liệt, bằng nước mắt và bằng cả nụ cười chiến thắng rạng ngời, rất đỗi vinh quang, tự hào. Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do Hội LHPN Việt Nam phát động như “Phụ nữ 5 tốt”, “Ba đảm đang chống Mỹ, cứu nước” với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã dấy nên một làn sóng thi đua sôi nổi, mạnh mẽ . Lịch sử còn ghi đậm dấu ấn của những tập thể và cá nhân nữ chiến sĩ anh hùng như “Đội quân tóc dài”, “Nữ du kích Củ Chi”, “Nữ biệt động Sài Gòn”, các đại đội nữ pháo binh và các nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Trạm A69… đã không tiếc máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân vì độc lập của dân tộc. Những chiến công oanh liệt của các đội nữ pháo binh, các nữ chiến sĩ tình báo, nữ chiến sĩ vận tải hậu cần, thông tin, quân y, dân quân, du kích... trong điệp trùng đội ngũ phụ nữ toàn quân đã góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp của toàn quân trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Kế thừa truyền thống các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, Phụ nữ Quân đội hôm nay xác định rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng học tập, phát huy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước; thắp sáng khát vọng cống hiến, viết tiếp bản hùng ca của PNQĐ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trong đó, tập trung thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ Quân đội trí tuệ - bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và phong trào thi đua quyết thắng của Quân đội.
Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định: “Lớp chị trước, lớp em sau”, phụ nữ toàn quân đã nỗ lực tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Càng ở những nơi khó khăn, gian khổ, càng có nhiều sự cống hiến, hy sinh của PNQĐ, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất; giữ vững và tô thắm hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Trung tá QNCN Đinh Thị Thu Hường - Trợ lý Phụ nữ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, chia sẻ: Phụ nữ Viettel không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn là lực lượng gìn giữ, lan tỏa những giá trị nhân văn cốt lõi của Tập đoàn. Ở góc độ chuyên môn, nhiều nữ cán bộ khoa học kỹ thuật đã ghi dấu ấn qua các công trình quan trọng, tiêu biểu như Lê Thị Hằng với các nghiên cứu về radar và tác chiến điện tử, Nguyễn Trần Ngọc Linh - đại diện phụ nữ Việt Nam trên diễn đàn AI toàn cầu, góp phần đưa hình ảnh Viettel vươn ra thế giới. Phụ nữ Viettel đã chủ động tổ chức và tham gia hàng loạt chương trình vì cộng đồng, tiêu biểu như: “Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương” hỗ trợ hơn 40 điểm trường khó khăn với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng trong năm 2024; các chương trình “Trái tim cho em”, “Sóng và máy tính cho em” giúp thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và vùng sâu, vùng xa...
Phụ nữ Bộ Tổng Tham mưu, với hơn 2.400 hội viên có mặt hầu hết ở các ngành, các lĩnh vực từ tham mưu chiến lược, nghiên cứu khoa học, đến Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đối ngoại quốc phòng, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, phục vụ bảo đảm... chị em luôn phát huy vai trò, phẩm chất cao đẹp của những người lính.
Bản hùng ca của Phụ nữ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sẽ tiếp tục được ngân vang và trao truyền, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ hôm nay và mai sau, là động lực, niềm tin để phụ nữ toàn quân vững bước quân hành, viết tiếp bản hùng ca và tô thắm truyền thống tốt đẹp của Quân đội anh hùng, xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong kỷ nguyên mới.