HIỂU ĐỊA BÀN ĐỂ TUYÊN TRUYỀN MIỆNG CÓ HIỆU QUẢ
Hiểu địa bàn để tuyên truyền miệng có hiệu quả
Thời gian vừa qua, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức sinh động, hiệu quả, như: Mô hình “Tiếng loa biên phòng”, phát tờ rơi, tờ gấp, ký cam kết chấp hành các quy định pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới.
Ngoài ra, các đồn biên phòng còn triển khai đội vận động quần chúng kết hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động, tuyên truyền thông qua cán bộ BĐBP về tăng cường giữ chức phó bí thư đảng ủy xã, cán bộ đoàn biên phòng tham gia giữ chức phó bí thư đoàn xã biên giới, cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương, đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới; các tổ, chốt phòng, chống dịch trên biên giới, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép...
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Minh Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Kon Tum cho biết: “Để công tác tuyên truyền miệng thật sự có chất lượng, hiệu quả, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt đến 100% cán bộ, chiến sĩ Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”.
Hằng năm, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng, xây dựng đảng bộ và đơn vị, xác định công tác tuyên truyền là một trong những nội dung trọng tâm, tổ chức thực hiện, triển khai chặt chẽ từ cơ quan Bộ chỉ huy đến đơn vị cơ sở, gắn với thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và cán bộ, nhân dân khu vực biên giới tỉnh”.
Có thể thấy, nhờ nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn khu vực biên giới nên công tác tuyên truyền miệng trong BĐBP tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ.
Công tác tuyên truyền miệng đã trở thành một kênh thông tin quan trọng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình ở cơ sở, từ đó đề ra các giải pháp trong công tác tư tưởng và định hướng tuyên truyền phù hợp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.
Bài và ảnh: VĂN LÝ