HÃY HỎI CHÍNH MÌNH
HÃY HỎI CHÍNH MÌNH
Bất mãn vì không được mời dự hôn lễ của một nữ thần, Eris - nữ thần bất hòa - đã lấy một quả táo gửi đến hôn lễ với đề tặng “cho vị nữ thần đẹp nhất”. Món quà làm nảy sinh sự tranh giành, xung đột. Và Paris - hoàng tử thành Troy - được mời đến phân định.
Ai là người đẹp nhất? Hãy hỏi Paris! Ai xứng đáng được ngưỡng mộ, ca ngợi? Hãy hỏi Paris! Bước ra khỏi thần thoại, giờ đây, không khó để bắt gặp Paris - những người nhân danh sự chuẩn mực để phán xét.
Bạn tôi, tiến sĩ giảng dạy ở một trường đại học, đang được “cơ cấu” chức trưởng khoa thì đành phải bỏ việc. Chuyện bắt đầu từ lá đơn của ai đó tố cáo cô ấy với một giảng viên cùng trường đã có gia đình. Trong chuyện tình cảm, lẽ ra, cả hai cùng sai thì phải chịu kỷ luật ngang nhau. Nhưng là nữ, bạn tôi phải hứng hết mọi chỉ trích của người khác.
Nửa năm trước, một người bạn khác của tôi, đẹp và giỏi giang, giám đốc một công ty truyền thông quyết định chia tay người chồng thứ hai. Ly hôn là để hạnh phúc, sống vui hơn và được làm tất cả những gì mình muốn khi người bạn đời đã không còn hòa hợp, nhưng điều bạn tôi đối diện lại là những quy kết phiến diện, kiểu như “chắc bị chồng bỏ”, “đàn bà mà giỏi quá, chồng bỏ là đúng rồi”. Theo họ, nếu phụ nữ biết lùi lại, dẹp bớt sự nghiệp để chăm con, nhường cho chồng phát triển, có lẽ đã giữ được hạnh phúc.
Những “đòn roi” giáng xuống đầu phụ nữ thì không đếm xuể. Những “Paris nhân danh” sự chuẩn mực, ẩn mình trong hàng ngàn định kiến và đòi hỏi để không ngừng phán xét, dán nhãn lên nữ giới, nhất là phụ nữ thành công.
Không thể phủ nhận đàn bà hạnh phúc là người vừa có sự nghiệp vững vàng, vừa có một gia đình êm ấm. Nhưng điều đó không có nghĩa là chị em phải chịu quá nhiều áp lực, để tròn vai. Bởi họ buộc phải đương đầu với quá nhiều trách nhiệm, trong khi họ không phải siêu nhân.
Theo một báo cáo, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ hai châu Á. Điều đó rất đáng mừng. Nhưng không phải người phụ nữ thành công nào cũng mạnh dạn chia sẻ đời sống riêng của mình. Đơn giản là vì họ e ngại sẽ bị lệch khỏi quỹ đạo của chuẩn mực đám đông, vốn đã như một rào cản cố hữu và vô lý. Và còn vì không ít người trong số đó đã phải vật lộn giữa những khát vọng cá nhân và vai trò “người phụ nữ của gia đình” với những công việc không tên.
Nhà ngoại giao, nhà nữ quyền Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh châu Âu và tại Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - từng chia sẻ, trước đây, bà là một người cầu toàn, bận rộn việc công nhưng vẫn tự tay dọn dẹp, sửa soạn nhà cửa. Sau khi bà đọc bài viết của một nữ doanh nhân kể về việc tìm thấy hạnh phúc trong căn nhà ít ngăn nắp hơn thay vì cố giữ cho nó tinh tươm, sạch sẽ sau hàng núi công việc ở công ty. Bà nói, từ đó, tôi cũng tự giải phóng mình khỏi áp lực cầu toàn đó.
Xóa bỏ định kiến giới là chuyện… nói hoài, nhưng vẫn phải nhắc lại song song các giải pháp. Có vậy, trên hành trình phấn đấu vì sự nghiệp cũng như trước các cơ hội, điều kiện, chính sách rộng mở, nữ giới phải nhìn thấy hạnh phúc, sự bằng lòng, tức không phải chịu bất cứ rào cản nào dù là sự phán xét, áp đặt. Và, đó càng không phải là hành trình chỉ dừng ở lời kêu gọi chị em biết nắm lấy các cơ hội phát triển, thành công mà thiếu đi sự ủng hộ từ người khác.
Sau cùng, nhưng xuyên suốt quá trình xóa bỏ định kiến và rào cản giới, là “đừng hỏi Paris”. Tức là, chị em chứ không ai khác phải là người định đoạt thành công và hạnh phúc của chính mình.
Tuyết Dân
Ảnh minh họa: Internet