column_right getExtensions 1750505609-1750505609

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1750505609-1750505609

XỨNG DANH NỮ ANH HÙNG

XỨNG DANH NỮ ANH HÙNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:06-05-2025

XỨNG DANH NỮ ANH HÙNG

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP

Mỗi lần cất lên bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” của nhạc sĩ Ánh Dương, trong tâm trí những nữ chiến sĩ lái xe quả cảm trên đường Trường Sơn năm xưa như sống lại bao ký ức hào hùng về một thời không thể nào quên.

Năm 1968, không quân Mỹ đánh phá ác liệt các tuyến trọng điểm trên đường Trường Sơn, nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường càng trở nên cấp bách. Lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để đáp ứng nhiệm vụ. Những cô gái có sức khỏe tốt, tháo vát, biết chút ít về kỹ thuật được tuyển chọn và gửi đi đào tạo cấp tốc.

Trung đội nữ lái xe, 1968

Ngày 18-12-1968, tại xã Hương Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, Trung đội nữ lái xe mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Thị Hạnh được thành lập. 40 cô gái nhận hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men… từ Vinh (Nghệ An) vào giao tại các kho, trạm trên các tuyến đường 12, 18, 20 - Quyết Thắng, đường 22 và khi cần thiết thì vào cả phía trong, chuyển thương binh, cán bộ từ chiến trường ra học tập, an dưỡng; tiếp nhận xe từ miền Bắc đưa vào chiến trường miền Nam.

Tập lái

Tuyến đường huyết mạch với nhiều trọng điểm như Ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve, Long Đại, 050, Cổng Trời... bom đạn Mỹ cày nát. Chị em phải ngụy trang xe, xuất phát từ 5 giờ chiều hôm trước, quay về đơn vị vào sáng hôm sau. Để tránh máy bay địch phát hiện, lái xe chỉ bật “đèn rùa” bằng ngón tay dưới gầm xe. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, trước mặt, sau lưng có thể bị dội bom bất cứ lúc nào. Đến nơi tập kết, vừa rời vô lăng, các chị kiêm luôn việc bốc hàng; dọc đường về thì chăm sóc thương binh, làm thay y tá.

Các nữ tài xế vóc dáng nhỏ nhắn, điều khiển những chiếc xe kềnh càng và “cao tuổi”, thức ăn chủ yếu là lương khô và rau rừng. Thời tiết khắc nghiệt, phải ăn ngủ ngay trên xe hoặc dưới gầm xe... Ngày ấy, xe cứ chạy vài ba ngày là gãy nhíp, nứt lốp, vì cán phải mảnh bom, mảnh pháo. Khi xe bị hỏng hóc giữa đường, chị em phải tự sửa chữa. Phải dùng miệng hút xăng đổ ra thùng, rồi lại từ thùng đổ vào xe, có khi sặc, nuốt cả xăng. Mùa mưa, nước từ trên thác tràn xuống cuồn cuộn, nếu tay lái không vững, xử lý tình huống không nhanh, thì cả người và xe rất dễ bị nước cuốn trôi. Có lúc xe chạy đằng trước, bom đạn đuổi phía sau… Mặc kệ, đội xe nữ vẫn gan góc, quyết đưa những chuyến hàng “vì miền Nam ruột thịt” đến nơi an toàn…

Hai chị Bùi Thị Vân (đứng) và Nguyệt Ánh, lái Gaz 51 đưa bộ đội vào chiến trường

Đến nay, đồng đội vẫn nhớ chị Phạm Thị Phàn, người dẫn đầu đoàn xe hơn chục chiếc của các lái xe nam vượt “cửa tử thần” thẳng tiến về Cổng Trời trong ánh pháo sáng, mảnh đạn văng tung tóe phía trước, phía sau, rơi cả trên nóc ca-bin. Tiểu đội trưởng Bùi Thị Vân chỉ huy, chuyển thương binh vượt qua Ngã ba Đồng Lộc, gặp máy bay Mỹ đánh phá cả trước và sau đội hình, nhưng chị quyết không bỏ xe, vững tay lái vượt qua trọng điểm, đưa thương binh về nơi an toàn.

Trung đội trưởng Phùng Thị Viên trong một lần lái xe xuống dốc Yleng thì máy bay địch phát hiện, chúng bắn làm xe hỏng phanh. Xe cứ thế lao đi, sắp lọt vào một chiếc cầu hẹp rất nguy hiểm, đến một đoạn cua tay áo, chị cho xe ép sát ta-luy rồi đánh tay lái, xe xoay ngang rồi đổ nghiêng ngay trước vực sâu. Mọi người đi trên xe đều an toàn, chỉ một chiến sĩ bị thương nhẹ ở trán. Đoạn cua tay áo đó sau này được gọi là “Cua bà Viên”.

Các cựu nữ lái xe Trường Sơn thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Đầu năm 1972, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn được điều về Trường đào tạo lái xe D255, thuộc Cục Quản lý xe máy, tiếp tục phục vụ tại các kho xe, kho hàng, bệnh viện quân đội thay cho các lái xe nam ra trận. Tại đây, C13 được thành lập với nòng cốt là Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh và 300 học viên nữ. Sau này, đội nữ lái xe được điều về trường đào tạo lái xe đi tập luyện tham gia lễ duyệt binh năm 1975 tại Quảng trường Ba Đình. Ghi nhận chiến công và những thành tích đặc biệt xuất sắc của các nữ lái xe Trường Sơn, ngày 23-7-2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho Đại đội nữ lái xe Trường Sơn và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội trưởng Phùng Thị Viên.

Câu chuyện về đơn vị nữ lái xe Trường Sơn làm sống dậy ký ức hào hùng của đất nước. Chiến công của họ là bản hùng ca bất tử…

Ảnh: Tư liệu

BÀI VIẾT NỔI BẬT