VỢ CHỒNG THƯƠNG BINH NGHĨA NẶNG, TÌNH SÂU
VỢ CHỒNG THƯƠNG BINH NGHĨA NẶNG, TÌNH SÂU
THIÊN ÂN
Gặp và cảm mến nhau trong chiến tranh, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Nấm và cô thiếu nữ Bùi Thị Hồng hẹn rằng, ngày đất nước hòa bình, nếu còn sống, họ sẽ tìm lại nhau. Chiến tranh qua đi, cả hai đều trở thành thương binh nhưng họ đã nên duyên vợ chồng như ước hẹn.

Tròn 15 tuổi, cô Bùi Thị Hồng ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, thành phố Sài Gòn Gia Định tham gia đoàn tải lương, tải đạn. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Bất kể ngày đêm, hễ có lệnh là đi. Nhiều lúc bị địch phát hiện, cả đội phải tắt hết đèn, dò đường mà chạy trong đêm tối. Gian khổ là vậy nhưng không ai biết sợ là gì, vẫn giữ tinh thần chiến đấu kiên cường.
Đến năm 1964, trong chiến dịch Bình Giã ở miền Đông Nam bộ, cô Hồng gặp anh bộ đội Nguyễn Xuân Nấm. Người chiến sĩ cảm mến cô thiếu nữ gan dạ, dũng cảm. Đến năm 1965, đơn vị ông Nấm tham gia đánh trận Đồng Xoài. Ngày chia tay, ông Nấm ngỏ lời hẹn ước với bà Hồng rằng sẽ trở lại khi đất nước hòa bình. Do thay đổi địa bàn chiến đấu, ông Nấm và bà Hồng mất liên lạc.
Vài năm sau, trong một lần đi vận chuyển vũ khí, cả tiểu đội bị địch phát hiện, bà Hồng bị thương ở chân. Bà nhớ lại: Địch bắn pháo sáng cả rừng tre rồi nã đạn như mưa. Tôi bị thương ở chân phải, chảy nhiều máu nên hoa mắt, lả người, đầu óc choáng váng nhưng vẫn cố gắng lê người tìm hầm để ẩn nấp. Thoát chết nhưng bà phải chấp nhận cưa bỏ chân phải để bảo toàn mạng sống.
Trong khi đó, vào năm 1968, ông Nấm bị lính biệt kích bắn trọng thương, phải cưa mất chân phải. Bị bắt, ông bị địch giam giữ hơn 5 năm ở Hố Nai và được trao trả sau Hiệp định Paris 1973. Ông Nấm và bà Hồng bặt tin nhau suốt 10 năm trời. Đến năm 1974, cả hai mới gặp lại nhau ở miền Bắc trong chương trình đưa thương binh đi điều trị, an dưỡng.
Sau vài tháng hội ngộ, ông Nấm nhiều lần nhắc lại chuyện hẹn ước năm xưa nhưng bà Hồng né tránh vì không muốn tạo thêm gánh nặng cho nhau. Bà bảo ông đi kiếm người lành lặn mà cưới chứ cả hai đều cụt chân thế này thì khổ lắm. Nhưng ông Nấm vẫn không thay đổi ý định.
Trước tấm chân tình của ông, cộng với lời động viên của đồng đội, cuối cùng, bà Hồng cũng đồng ý. Sau năm 1975, ông Nấm và bà Hồng tổ chức một đám cưới đơn sơ rồi trở về Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Ông bà sinh được 3 người con. Vợ chồng đều là thương binh, mức độ thương tật 70% và 81%, mỗi người đều chỉ còn 1 chân. Phải làm việc vất vả, cực nhọc nhưng họ luôn thấu hiểu, cảm thông và động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.
Ngày đó, ông đi mua cá, mực khô về bán lại, còn bà ở nhà làm nông. Tuy mang chân giả nhưng ông vẫn đạp xe rong ruổi khắp Sài Gòn, còn bà lội ruộng làm cỏ, đạp xe đi trỉa đậu mướn. Khi cuộc sống khá hơn, ông bà chuyển sang trồng tiêu, trồng điều, chăn nuôi heo, bò. Các con của ông bà đều được học hành, nay đã lập gia đình riêng.

Vào tuổi ngoại 80, cặp vợ chồng thương binh Nguyễn Xuân Nấm và Bùi Thị Hồng vẫn vẹn nguyên tình cảm như những ngày đầu gặp nhau. Ông tâm sự: “Mình trải qua chiến tranh khốc liệt mà vẫn còn sống để thấy đất nước hòa bình, được gặp lại nhau là điều may mắn, hạnh phúc, nên khó khăn, gian khổ mấy cũng không sá gì”.
Ông Nguyễn Xuân Nấm luôn tự hào về người vợ tào khang, đảm đang, thật thà, chịu cực giỏi. Còn bà luôn biết ơn ông – người bạn đời trọn nghĩa vẹn tình, thủy chung, biết chia sẻ, thương yêu vợ con, sống có trách nhiệm. Và họ đã gắn bó với nhau trong gần nửa thế kỷ, cùng viết tiếp lời hẹn ước của tuổi thanh xuân đến khi đầu bạc răng long.