column_right getExtensions 1732189983-1732189983

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732189983-1732189983

NHỮNG “DOANH LŨY” PHÍA SAU

NHỮNG “DOANH LŨY” PHÍA SAU

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:03-08-2022

NHỮNG “DOANH LŨY” PHÍA SAU

Vừa lập danh sách những quân nhân có hoàn cảnh khó khăn đang làm nhiệm vụ ứng trực tại hàng nghìn điểm chốt biên phòng, Đại úy Vũ Minh Phương - Trợ lý Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP vừa mở nhạc nho nhỏ. Câu hát “anh phiêu du, có tim em là nhà” khiến tôi bất giác nghĩ đến đời lính phong ba vạn nẻo đường, nơi thẳm sâu yêu thương, an bình nhất chính là nơi trái tim người vợ.

Khó có thể nói hết tình yêu và sự hy sinh, chịu đựng của những người vợ lính giữa thời bình. Hạnh phúc của họ luôn đặt ở phía sau Tổ quốc. Thử hỏi nếu không có những người phụ nữ dám dấn thân, dám yêu và hy sinh vì tình yêu như các chị, thì liệu những người lính có thể hoàn toàn yên tâm làm nhiệm vụ được không?

Đến với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sơn La, nghe kể về một người vợ lính biên phòng giỏi việc nước, đảm việc nhà. Chị Phạm Thị Dinh ở tổ 1, phường Chiềng An, thành phố Sơn La không chỉ là một cô giáo vùng cao tận tụy mà còn là một hậu phương có “thâm niên” 27 năm vững vàng. Năm 1994, chị nên duyên với anh Tạ Đức Mạnh, quân y ở xã biên giới Chiềng Tương thuộc huyện Yên Châu. 14 năm sau, do điều kiện công tác, gia đình của họ chuyển về thành phố, anh vẫn công tác tại đồn Biên phòng Chiềng Tương, còn chị chuyển về Trường tiểu học Lóng Phiêng A, xã Lóng Phiêng. Đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng chỉ đủ nuôi hai con ăn học, chị Dinh tranh thủ tăng gia tại nhà, tại trường, vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình và bữa cơm cho đàn em thơ trên bản nhỏ. Hai cậu con trai lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của người mẹ tảo tần.

Giờ đây, chị Dinh là Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lóng Phiêng A, được giáo viên, học sinh và bà con vùng biên yêu quý. Chị tự hào là vợ của một Thiếu tá quân y, là mẹ của một Trung úy trinh sát BP. Con trai lớn của anh chị, Trung úy Tạ Đức Hải (Đồn Biên phòng Phước Tân, Tây Ninh) là một cán bộ gương mẫu. Suốt 2 năm qua, chồng và con của chị Dinh đã cùng đồng đội luôn túc trực tại đơn vị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Chị kể, cả gia đình mỗi người một nơi, bữa cơm luôn thiếu vắng các thành viên. Qua điện thoại, chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng để chung tay phòng, chống dịch. Ánh mắt của chị toát lên nỗi nhớ thương, lòng tin yêu và niềm tự hào về chồng, con mình nơi biên cương.

Đã là vợ lính, thì dường như sự thiệt thòi không có giới hạn. Gia đình Đại úy Đặng Văn Đồng (Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân) và chị Nguyễn Thị Trang, công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là một trường hợp. Qua điện thoại, anh Đồng lo lắng khi nhắc đến người vợ và đứa con thứ hai thơ dại đang ở khu nhà trọ giữa lúc dịch bệnh rối bời. Hơn hai tháng nay, vợ anh nghỉ việc không lương nên cuộc sống càng trở nên khó khăn. Nhà 4 người mà ở những 3 nơi. “Tôi biền biệt suốt nên bà xã cứ một mình với công việc và căn nhà trọ 20m2. Khi cô ấy sinh con đầu lòng, tôi đang phiên tuần biển, điện thoại liên lạc không được. Mãi gần 10 ngày sau mới biết mình đã được làm cha, nhưng về với con được hai tuần lại phải đi”.

Đầu dây bên kia, chị Trang cho biết thêm, con đầu 4 tuổi đã phải gửi về ông bà ngoại ở Hà Tĩnh. Em xa chồng quen rồi, nên cũng tự lo liệu được cuộc sống. Chỉ thương hai đứa nhỏ, cháu đầu rời mẹ khi mới 2 tuổi, thiếu thốn tình thương nên cứ sợ bị bỏ rơi. Mỗi lần được đón vào với cha mẹ, cháu mừng lắm. Câu chuyện của người nữ công nhân ấy cứ ám ảnh chúng tôi mãi, dù chị không nửa lời trách giận chồng và rất thấu hiểu sự vất vả của anh khi xa nhà làm nhiệm vụ.

Trường hợp chị Lê Thị Thu, vợ Đại úy Hoàng Minh Thiết, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập, Quảng Trị. Trong một đêm tuần tra giữa cái nóng quay quắt của gió Lào, anh đã kể cho kíp làm phim của chúng tôi nghe về mối tình đẹp nhưng trắc trở của mình. Người lính quân hàm xanh bén duyên với cô thôn nữ và họ nên duyên vợ chồng năm 2013. Nhưng thật không may, họ bị hiếm muộn… Người vợ thủy chung, đôn hậu ấy vẫn kiên trì động viên chồng. Mãi tới năm 2019, chị sinh được hai thiên thần nhỏ một trai, một gái mang tên Hoàng Lê Thanh Tâm và Hoàng Lê Minh Tâm. Vậy nhưng thử thách vẫn chưa dừng lại đối với người mẹ trẻ ấy. Dịch bệnh bùng phát, người chồng căng mình trên biên giới, còn chị xoay như chong chóng với công việc và chăm sóc con thơ. Bé trai mắc bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe rất yếu, cần phải phẫu thuật sớm, mình chị đưa đi thăm khám ở nhiều bệnh viện. Khi bé được mổ tim thành công và xuất viện, anh Thiết cũng chưa thể về với con.

Chẳng nói đâu xa, Đại úy Vũ Minh Phương cũng là một người vợ lính như thế. Chân trái bị tràn dịch khớp cổ chân, bạn ấy tập tễnh chạy qua các phòng ban hoàn thiện danh sách “để anh em sớm có thêm khoản hỗ trợ gửi về gia đình” - Phương bảo thế. Chồng Phương là Đại úy Nguyễn Văn Thịnh ở Đồn biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai. Nhưng từ ngày cưới đến nay, đôi vợ chồng lính này chả khác vợ chồng ngâu là mấy. 8 năm bộ đội “chồng” xa nhà, cũng ngần ấy năm bộ đội “vợ” vừa tất bật với nhiệm vụ chuyên môn, chăm lo hai bên nội ngoại và nuôi dạy hai cậu con trai trứng gà trứng vịt.

Những người lính biên phòng vẫn đang ngày đêm trên chốt, lăn lộn trong những khu cách ly hay bệnh viện dã chiến, để lại những lo toan cuộc sống trên đôi vai người vợ ở quê nhà. Dũng cảm và thủy chung như vợ lính. Chỉ mong dịch bệnh chóng qua, thiên tai giảm bớt để những “vọng phu thời bình”. Và luôn cầu chúc các chị sẽ mãi vững vàng như “doanh lũy” bất khả xâm phạm của người lính.

Bài và ảnh: VÂN ANH

Mẹ con chị Dinh chuẩn bị cho bữa cơm
Đại úy Hoàng Minh Thiết và gia đình nhỏ của anh
Gia đình anh Đồng, chị Trang
Đại úy Vũ Minh Phương dạy con học bài buổi tối

BÀI VIẾT NỔI BẬT