DÁNG ĐỨNG TUỔI 20
DÁNG ĐỨNG TUỔI 20
TRẦN XUÂN CHIẾN
Bà Huỳnh Thị Hưởng (Sáu Hồng), sinh năm 1945, tại ấp An Ninh, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sớm giác ngộ, bà tham gia phong trào Đồng khởi ở địa phương. Dáng người nhỏ nhắn, nói chuyện lễ phép, bà được mọi người quý mến. Người em dâu của bà là Nguyễn Thị Nữ, ngụ tại ấp An Ninh nhớ lại: “Biết chị Sáu Hồng hoạt động bí mật, má chồng tôi bắt chị ra chợ Cái Tàu Thượng học may và ở đêm tại chợ nhằm cách ly... Nhưng ban ngày thì chị học may, còn tối đến, chị bí mật hoạt động Đoàn thanh niên”.

Chào mừng Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Chợ Mới ra mắt đêm 18-3-1961 tại ấp An Khương, xã Hội An, chị Sáu Hồng cùng đông đảo người dân cầm đèn, đuốc, gậy gộc xuống đường. Tiếng thùng thiếc, tiếng mõ hòa tiếng hò reo của nhân dân đã tạo nên một khí thế nổi dậy rầm rộ. Trong một đêm, ta làm chủ 4 ấp An Ninh, An Khương, An Thái, An Bình và một phần ấp Thị, An Phú.
18 tuổi, Sáu Hồng làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã, chị vinh dự được kết nạp Đảng. Mọi công tác được giao nữ cán bộ trẻ đều hoàn thành tốt. Nhờ biết cách ăn nói nên khi chị vận động các cơ sở quần chúng, bà con đều vui vẻ ủng hộ cách mạng và nuôi giấu cán bộ. Mỗi khi bộ đội huyện và du kích xã bao vây đồn bót, diệt ác, Sáu Hồng đều tích cực tham gia.
Đêm 12-12-1964, theo kế hoạch, Sáu Hồng cùng tổ du kích dùng súng trường phối hợp bắn vào 2 đồn La Kết, Bà Vú, dụ chủ lực địch ứng cứu. Sáng hôm sau, máy bay L-19 do thám, rồi Tiểu đoàn 16 (Sư đoàn 9) từ mương Hội đồng tiến vào. Du kích bám công sự đánh trả, hơn nửa giờ, ta loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch. Mưu trí và gan dạ, chị nhiều lần tổ chức lực lượng phục kích địch giữa ban ngày, gây cho chúng một số thiệt hại. Tụi lính đồn nghe danh “Sáu Hồng” thì sợ, ngày đêm thấp thỏm, không dám càn sâu vào các kênh, rạch.
Vào dịp cúng đình Hội An, ngày 17-7-1965 (rằm tháng 6 âm lịch), Sáu Hồng nhận nhiệm vụ diệt tên xã trưởng Hoanh. Chưa kịp thực hiện thì chị bị tên Liềm chỉ điểm và bị bắt. Tên Hoanh hả hê ra mặt, cho tra tấn hòng buộc Sáu Hồng khai ra cơ sở cách mạng. Không khai thác được gì, chúng dẫn người bị bắt về xã khảo tra. Đánh đập, mua chuộc, dụ dỗ, bất lực, chúng giao chị cho bọn Mỹ tiếp tục tra tấn bằng các hình thức man rợ hơn, mười ngón tay bị đóng đinh chảy máu, nhưng Sáu Hồng vẫn giữ vững khí tiết.
Hôm sau, địch lôi chị ra chợ Cái Tàu Thượng để uy hiếp bà con. Không nao núng, chị nói to, trấn an: “Cô bác cứ yên tâm, tôi không khai báo gì. Tôi có chết, còn nhiều đồng chí, đồng bào thay tôi để làm cách mạng, có Đảng lãnh đạo, cách mạng nhất định thắng lợi, bọn Mỹ - ngụy dã man nhất định bị tiêu diệt”.
Vô cùng tức tối trước sự dũng cảm, kiên cường của người con gái Hội An, mấy ngày sau, ban đêm, địch lén lút dẫn chị Sáu Hồng ra cầu đúc Cái Tàu Thượng sát hại. Lúc hy sinh chị mới tròn 20 tuổi.

Ngày 29-8-1985, chị Huỳnh Thị Hưởng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Để ghi nhớ công lao của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và các ngành, các cấp tỉnh An Giang đã có nhiều hình thức tôn vinh như: Lấy tên Huỳnh Thị Hưởng đặt tên đường phố, trường học (Năm 1995, Trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) Hội An, đổi tên thành Trường THCS và THPT Huỳnh Thị Hưởng, nay là Trường THPT Huỳnh Thị Hưởng). Hình ảnh của chị được vinh danh trong các ấn phẩm lịch sử Đảng, địa chí, văn học nghệ thuật… của địa phương. Đó là sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường của dân tộc, về những tấm gương hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và từ đó chúng ta càng thêm trân quý và tự hào về những cống hiến lớn lao của biết bao thế hệ phụ nữ nước Việt.
Ảnh: TL