column_right getExtensions 1732348542-1732348542

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732348542-1732348542

CHÀNG TRAI NGƯỜI KHMER

CHÀNG TRAI NGƯỜI KHMER

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:27-03-2023

CHÀNG TRAI NGƯỜI KHMER

Thiếu tá Danh Thanh Trung, người dân tộc Khmer ở miền Tây Nam Bộ. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự, năm 2010, anh về nhận nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Sóc Trăng. Được công tác ở quê nhà, đó là niềm tự hào và cũng là động lực nhắc Trung chú ý rèn luyện tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học; nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu ngành, yêu nghề.

Là trợ lý Tham mưu - Kế hoạch, chuyên ngành kỹ thuật, Trung giúp cho Đảng ủy - Ban chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật xây dựng các văn kiện thường xuyên, huấn luyện, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ)… đề xuất các giải pháp trong công tác bảo quản, bảo dưỡng, quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật hiệu quả, tiết kiệm và an toàn. Đến nay, anh có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đưa vào ứng dụng trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh và quân khu. Có thể kể đến: Hiệu lệnh còi tự động phục vụ sinh hoạt học tập công tác; cảm biến độ ẩm đất tự động tưới tiêu phục vụ tăng gia sản xuất; hệ thống giàn phơi thông minh phục vụ tiểu đội dân quân tự vệ; bộ chân bia bắn súng điều khiển từ xa độc lập sử dụng năng lượng mặt trời; bộ chân bia bắn mục tiêu trên biển điều khiển từ xa độc lập sử dụng năng lượng mặt trời; camera siêu nhỏ kiểm tra lòng nòng súng, pháo các loại… Các sáng kiến đều có giá trị ứng dụng cao, giảm công sức, tiết kiệm được thời gian, nhân lực, giảm được các phân đoạn; thực hiện kịp thời, chính xác.

Với thành tích đó, Danh Thanh Trung được Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng tuyên dương điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (2016 - 2021) và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”.

Để có được những thành tích trên, ngoài sự nỗ lực của bản thân, anh luôn nhớ đến cha mẹ đã khuyến khích con theo binh nghiệp. Ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, đến nay chưa có nhiều quân nhân là người dân tộc thiểu số. Năm 2006, khi Trung thi đỗ đại học quân sự là điều đặc biệt với người dân địa phương, cũng là niềm tự hào của ông Danh Bô Na và bà Đồ Thị Song.

Ở làng Bưng Cóc, người dân chủ yếu làm nghề nông. Trên mảnh đất này, ngày qua ngày, ông bà Bô Na chăm chỉ làm lụng. Cứ mỗi vụ thu hoạch, họ thường bàn nhau chia thu nhập làm ba phần: một để chi tiêu thường ngày, một để nuôi con ăn học, phần còn lại dành tích lũy. Bà Song bộc bạch, con trai lớn tốt nghiệp sĩ quan, được công tác gần nhà nên vợ chồng tôi mừng lắm, nhưng cháu bận suốt trong đơn vị. Chỉ mong con lập gia đình…

Cặp đôi Thanh Trung - Văn Thị Kim Mỹ trong ngày cưới

Năm 2021, Thanh Trung kết hôn với cô Văn Thị Kim Mỹ, người cùng xã. Suốt thời gian yêu nhau, họ sống trong xa cách. Sau 4 năm anh Trung tốt nghiệp sĩ quan trở về thì chị Mỹ đi học dược sĩ tại Trà Vinh 3 năm. Vậy nhưng tình cảm của anh chị luôn hướng về nhau và dành cho nhau. Đám cưới của họ diễn ra khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vừa phải đúng nghi thức của người Khmer vừa phải tuân thủ quy định phòng chống dịch. Khách dự đám cưới đều vui vẻ chúc phúc cho hai người và mọi việc đều suôn sẻ. Cũng từ đây, chị Kim Mỹ ý thức được trách nhiệm khi làm vợ bộ đội, làm dâu con trong gia đình người Khmer.

Giờ thì cuối tuần, anh Trung dành thời gian bên gia đình. Ca dao của người Khmer có câu: “Của còn nhờ vợ khéo, gia đình sum vầy nhờ vợ hiền”, chị Mỹ đã thuộc lòng từ ngày nhập gia. Và chị luôn biết cách vun vén hạnh phúc gia đình để chồng yên tâm công tác, xây dựng quê hương giàu đẹp.

KHÁNH CHI
Ảnh: NVCC

BÀI VIẾT NỔI BẬT