CẶP ĐÔI XẠ THỦ
CẶP ĐÔI XẠ THỦ
Gần 20 năm, Đại úy QNCN Ngô Anh Tuấn và Thiếu tá QNCN Phạm Thị Hà, vận động viên (VĐV) đoàn tuyển thủ bắn súng Quân đội nhân dân Việt Nam sát cánh bên nhau. Tại giải bắn súng quân dụng lục quân các nước ASEAN lần thứ 30 (AARM-30) do Việt Nam vừa đăng cai tổ chức, Phạm Thị Hà giành Huy chương Đồng cá nhân ở nội dung súng ngắn nữ (bài 1), còn Ngô Anh Tuấn và đồng đội đoạt cúp vàng (bài 1) đội súng ngắn nam, xếp thứ Nhất trong 10 nước tham dự giải.
Giữa tháng 11 mà ở Trung tâm Huấn luyện Quân sự quốc gia 4 (gọi tắt là Trung tâm) vẫn nóng như mùa hè. Giải AARM-30 vừa kết thúc tại đây, toàn đơn vị bắt tay vào các nhiệm vụ khác. Trung tâm bảo đảm đăng cai các lớp tập huấn, hội thi, hội thao của Bộ Quốc phòng, thử nghiệm vũ khí, trang bị... Cán bộ, chiến sĩ và các VĐV kiêm luôn việc phục vụ tất cả mục tiêu trên thao trường. Lực lượng của đơn vị mỏng, địa hình rộng, nhiệm vụ nhiều nên họ hầu như không được ngơi nghỉ.
Xạ thủ Ngô Anh Tuấn quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh được tham dự hội thao toàn quân. Năm 2002, nhờ đạt kết quả bắn tốt, anh được Trung tâm “để mắt” và nhận về, rồi trở thành VĐV bắn súng ngắn từ đó. Tương tự, qua câu chuyện của người cha là giáo viên dạy bắn súng ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, Phạm Thị Hà cảm mến bộ đội và cây súng. Biết có đoàn dự tuyển bắn súng, cô con gái xin bố cho tham dự giải. Kết quả bắn rất tốt, Hà được giữ lại làm VĐV. Đến tháng 8-2004, thì nhập ngũ.
Hồi ấy, trang thiết bị còn thiếu thốn, thao trường nhỏ hẹp, có đội phải huấn luyện ngay trên đường đi. Nhờ vậy mà đội súng ngắn nam và đội súng ngắn nữ có cơ hội tập luyện chung thao trường. Vì có kinh nghiệm hơn, Ngô Anh Tuấn thường hướng dẫn, trao đổi phương pháp tập luyện cho Phạm Thị Hà, người đồng đội kém mình 6 tuổi. Tình cảm giữa họ chớm nở. Cuối năm 2007, hai người về một nhà.
Cặp đôi Ngô Anh Tuấn và Phạm Thị Hà đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc gắn liền với cây súng và thao trường. Khi chuyển từ bắn chậm sang bắn nhanh, Hà đều không đạt thời gian bắn quy định, bắn hỏng. Lúc đó Hà buồn lắm, vì có khả năng không được giữ lại làm VĐV nữa. Nhờ có sự động viên, hướng dẫn của chồng, Hà lấy lại được cảm giác và bắn tốt cả hai phần.
Năm 2019, Trung tâm tạo điều kiện cho vợ chồng Tuấn - Hà chuyển vào ở khu tập thể. Một căn nhà cấp 4 rộng 94m2 có bếp, phòng khách và hai phòng ngủ. Hồi mới cưới, mỗi tuần họ được về nhà 2 buổi tối thứ 4 và thứ 7, còn thì ăn ở tập trung tại đơn vị. Để luyện tập, các VĐV gần như 8 giờ ngoài thao trường, chạy 4.000m, đẩy tạ, chống đẩy... Nhiều nội dung, ngay cả nam giới còn thấy oải, nhưng chị em vẫn kiên trì vượt qua, cũng là nhờ sự quan tâm chu đáo của đơn vị.
Thiếu tá QNCN Phan Tiến Việt - Huấn luyện viên đội súng ngắn nữ cho biết: “Vợ chồng Tuấn - Hà, con còn nhỏ đi học, bố mẹ ở xa. Họ phải vượt qua nhiều khó khăn. Trong thời gian thi đấu giải AARM-30 vừa rồi, anh chị phải nhờ bà ngoại lên chăm sóc con cái để tập trung vào chất lượng chuyên môn. Trước khi thi đấu, VĐV phải ăn ở tập trung nên dù nhà chỉ cách mấy bước chân nhưng họ cũng không được về...”. Do điều kiện đặc thù như vậy nên cả 9 VĐV của đội súng ngắn nữ đều lấy chồng bộ đội.
Ở cùng bố mẹ được gần 3 năm, hai con của anh chị Tuấn - Hà đã quen nếp sinh hoạt của bộ đội. 5 giờ 30 phút báo thức, cùng bố mẹ ăn sáng, rồi có xe của trường đến đón đi học. Môi trường, cảnh quan sạch đẹp, an toàn. Đó cũng là cảm nhận của các hộ gia đình quân nhân đang sinh sống tại đây. Chị Hà cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, có một người chồng hỗ trợ, luôn chia sẻ với vợ. Chỉ mong đơn vị và gia đình hai bên tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để anh chị cống hiến nhiều hơn nữa.
Với hàng chục tấm huy chương, cúp các loại đã giành được, Đại úy QNCN Ngô Anh Tuấn và Thiếu tá QNCN Phạm Thị Hà đã góp phần vào thành tích chung của đoàn Việt Nam trong các giải đấu khu vực cũng như quốc tế.
Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT