GÓP VÀO TIẾNG NÓI CHUNG
GÓP VÀO TIẾNG NÓI CHUNG
Trong hai ngày (12, 13-7-2023), Cơ quan Liên hợp quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) tổ chức Diễn đàn Phụ nữ trong công tác thực thi pháp luật trên biển lần thứ 8 tại Jakarta, Indonesia. Đoàn Việt Nam dự với 05 cán bộ nữ (03 người của Tổng cục Hải quan, 02 người của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển). Đó là Thiếu tá Trần Thị Kiều - Trợ lý Phòng chống tội phạm (PCTP) ma túy, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật; Thiếu úy Bùi Thị Hồng Tươi, Phòng Quan hệ Quốc tế.
Diễn đàn này được tổ chức hằng năm, 6 tháng một lần với sự tham gia của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển đến từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Đây là sáng kiến nhằm thu hút sự tham gia nhiều hơn của sĩ quan nữ với mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) tại các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong khu vực Đông Nam Á. Đại diện các quốc gia thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong công tác thực thi pháp luật trên biển; tham quan đơn vị thực thi pháp luật trên biển - Cảnh sát biển (CSB) Indonesia (BAKAMLA). Các đoàn được giới thiệu về cơ cấu tổ chức hoạt động, chức năng nhiệm vụ của CSB nước chủ nhà; vai trò của phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan.
Thiếu tá Trần Thị Kiều đã có bài tham luận trình bày về những khó khăn, hạn chế mà cán bộ nữ gặp phải trong quá trình làm nhiệm vụ và đưa ra một số giải pháp thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong việc thực thi pháp luật trên biển.
Trong xã hội hiện đại, phụ nữ ngày càng thể hiện rõ vai trò, năng lực, trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Phụ nữ cũng được xác định là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Lực lượng CSB Việt Nam, có biên chế cán bộ nữ. Số lượng cán bộ nữ được bố trí ở các nhóm công việc khác nhau, trong đó, có nhóm tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Chị em trực tiếp tiến hành các hoạt động giáo dục, tuyên truyền pháp luật, phối hợp tham gia đấu tranh bắt giữ tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy và thực hiện các công tác bảo đảm, phục vụ. Họ được tạo điều kiện và phát huy vai trò trong các lĩnh vực, nhiệm vụ được giao; thể hiện năng lực, trách nhiệm và được bổ nhiệm ở một số vị trí chỉ huy.
Nhà nước và Quân đội Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện về vấn đề BĐG, đề cao vai trò của phụ nữ. Nguyên tắc bình đẳng đã được khẳng định trong Hiến pháp, Luật bình đẳng giới; Chiến lược Quốc gia về BĐG... Trao nhiều cơ hội cho phụ nữ phát huy khả năng của bản thân, cống hiến cho sự nghiệp; nhiều người được bố trí ở vị trí lãnh đạo, đảm nhiệm công việc quan trọng. Lực lượng CSB quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ nữ phát triển; nhiều chị có năng lực chuyên môn tốt, bản lĩnh và có khả năng thực hiện nhiệm vụ độc lập như nam giới.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, còn nhiều bất cập hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào công tác thực thi pháp luật trên biển. Do điều kiện thời tiết, sóng gió, môi trường làm việc lênh đênh trên biển dài ngày, không thuận lợi cho phụ nữ khi xa gia đình, nhất là sinh hoạt, sức khỏe, tâm lý. Lực lượng CSB Việt Nam không bố trí cán bộ nữ trên các tàu làm nhiệm vụ thường xuyên; số cán bộ nữ tham gia làm nhiệm vụ theo các vụ việc hoặc các chuyến công tác cụ thể... Hơn nữa, một số chị em còn tự ti, chưa thực sự nỗ lực, vượt qua những khó khăn để khẳng định bản thân. Do đó, hạn chế điều kiện, khả năng tham gia của cán bộ nữ.
Để phát huy vai trò của phụ nữ trong thực thi pháp luật trên biển nói chung và CSB Việt Nam nói riêng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chị em cần nỗ lực hơn, vượt qua những khó khăn, định kiến để khẳng định bản thân, cống hiến cho công việc; truyền cảm hứng cho gia đình, đồng nghiệp, cộng đồng bằng những hành động, việc làm cụ thể nhằm thể hiện rõ ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, cuộc sống. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng nhiều chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi nhận thức, hành động về BĐG; tạo ra môi trường làm việc bình đẳng, không có sự phân biệt về giới; trao nhiều cơ hội cho chị em được thể hiện và khẳng định bản thân; bố trí cán bộ nữ tham gia vào các chuyến công tác trên tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển dài ngày; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, khả năng làm việc trên biển dài ngày cho phụ nữ.
Thực hiện BĐG vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của nhân loại. Phát huy vai trò, vị thế bình đẳng của phụ nữ là mục tiêu, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cần có chính sách phù hợp, tích cực và chủ động cùng sự nỗ lực phấn đấu của mỗi nữ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ CSB.
Bài và ảnh: Hồng Hạnh