column_right getExtensions 1732207178-1732207178

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732207178-1732207178

GIỮ MÃI NGỌN LỬA ẤM

GIỮ MÃI NGỌN LỬA ẤM

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:30-04-2023

GIỮ MÃI NGỌN LỬA ẤM

Bảo tàng Quân khu 7 gồm 2 nhánh: Bảo tàng Lực lượng vũ trang (LLVT) miền Đông Nam Bộ và Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, là nơi bảo quản, lưu giữ, trưng bày gần 11.000 hiện vật và hơn 9.000 hình ảnh của LLVT miền Đông Nam Bộ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Đặc biệt, đây cũng là nơi trưng bày các hiện vật về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hằng năm, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, nơi đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam.

Để tạo nên sức sống của một bảo tàng quân sự, cùng với việc chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, số hóa tài liệu, còn có sự đóng góp thầm lặng, không mệt mỏi của các nữ quân nhân luôn tận tâm, trách nhiệm với nhiệm vụ lưu giữ lịch sử của mình.

Bảo tàng Quân khu có gần 60% cán bộ, nhân viên nữ. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, chị em có thiên chức làm mẹ, làm vợ trong gia đình. Bận bịu, nhưng mỗi khi biết thông tin về các hình ảnh, kỷ vật có giá trị thì dù xa xôi mấy, các chị cũng sẵn sàng lên đường, nghiên cứu.

Gặp Đại tá Anh hùng LLVTND Lê Mạnh Hùng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công 198 (Binh chủng Đặc công), xin tư liệu

Gần 20 năm sưu tầm hiện vật tại Bảo tàng Quân khu, Đại úy QNCN Lê Thị Kim Anh đã đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để tìm hiểu, thu thập thông tin; gặp gỡ nhân chứng. Khó khăn nhất là xác minh được ý nghĩa của hiện vật và thuyết phục những người lưu giữ hiện vật lịch sử hiến tặng cho bảo tàng. Bởi với họ, những hiện vật ấy thường là kỷ niệm sâu sắc về tình đồng chí, đồng đội nơi họ đã từng sống, chiến đấu. Xúc động nhất là khi sưu tầm những kỷ vật của các liệt sĩ hoặc những trang lưu bút, trang còn trang mất của các sinh viên gác bút nghiên lên đường ra trận và hy sinh trên chiến trường. Những hiện vật chứa cả máu và nước mắt, chính vì thế mà chị Kim Anh cùng đồng đội luôn trân trọng, nâng niu.

Đại úy QNCN Lê Thị Kim Anh trong giờ làm việc

Trong quá trình làm việc, chị Kim Anh đã thuyết phục được nhiều cựu chiến binh hoặc thân nhân, hiến tặng lại những kỷ vật mà họ đang cất giữ. Ví như tấm bản đồ mà Sư đoàn 7, một trong 3 sư đoàn chủ lực được Bộ Tư lệnh Miền sử dụng vào chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, ta thu được của địch trong trận quyết chiến Tàu Ô (nay thuộc xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Khi đó, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) do đồng chí Nguyễn Ngọc Doanh làm chính ủy nhận nhiệm vụ ngăn chặn các mũi phản công, chi viện của địch, tạo điều kiện phối hợp với các đơn vị bạn giải phóng Lộc Ninh và huyện Chơn Thành, tiến tới giải phóng tỉnh Phước Long. Nhờ tấm bản đồ quý giá này mà trung đoàn tránh được rất nhiều tổn thất từ các đợt không kích của Không quân Mỹ.

Thiếu tá QNCN Mai Thị Ngọc Quy, nhân viên kiểm kê, bảo quản

Sưu tầm hiện vật đã khó khăn, công việc kiểm kê, bảo quản tại bảo tàng cũng vất vả không kém. Sau khi tiếp nhận, phải lập hồ sơ đăng ký vào sổ hiện vật gốc, đăng ký chất liệu và phân chia khu vực bảo quản. Công việc này không chỉ đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ mà còn cần rất nhiều tâm huyết, bởi mỗi hiện vật là một câu chuyện, và để làm sống lại những câu chuyện đó rất cần tấm lòng tâm huyết với công việc của những con người ở đây. Hơn 25 năm làm việc tại Bảo tàng Quân khu, tiếp xúc với hàng nghìn hiện vật được lưu giữ, dù chỉ là một lá thư, một mảnh vải cũng được Thiếu tá QNCN Mai Thị Ngọc Quy, nhân viên kiểm kê và các đồng nghiệp nâng niu, bảo quản cẩn thận. Và cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30-4, các chị lại sưu tầm, lựa chọn những kỷ vật về chiến dịch Hồ Chí Minh để trưng bày, giới thiệu với khách tham quan.

Kỷ vật kháng chiến là những di vật thiêng liêng của các thế hệ đi trước để lại cho đời. Công việc lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu những giá trị lịch sử đó đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân của Bảo tàng Quân khu 7, trong đó vai trò nòng cốt là các chị em đã ấp iu giữ mãi ngọn lửa ấm, trao truyền tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: PHẠM HỢI

BÀI VIẾT NỔI BẬT