column_right getExtensions 1750506747-1750506747

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1750506747-1750506747

GIỌNG CA CỦA MIỀN TÂY

GIỌNG CA CỦA MIỀN TÂY

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:15-05-2025

GIỌNG CA CỦA MIỀN TÂY

Bài và ảnh: SA MỘC

Đại úy QNCN Hồ Thị Khôi An là diễn viên thanh nhạc thuộc Đội Ca của Đoàn Văn công Quân khu 9. Từ năm 2011 đến nay, cô được đến hầu hết các huyện, thị của các tỉnh miền Tây Nam bộ, biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến.

Ca sĩ Hồ Thị Khôi An

Mỗi năm, Đoàn có hàng trăm suất diễn. Có nơi không thể di chuyển bằng xe ô tô, mà phải hành quân bộ hoặc đi bằng vỏ lãi. Việc ăn nghỉ của cán bộ, diễn viên, nhân viên phụ thuộc vào thời gian biểu diễn, nên ai nấy đều phải tranh thủ. Sự chào đón, ủng hộ nồng nhiệt của cán bộ, chiến sĩ và bà con cô bác là động lực để các diễn viên đem hết tinh thần trách nhiệm và tình yêu quê hương, xứ sở vào trong từng buổi diễn. Sau mỗi buổi biểu diễn, anh chị em lại được nhận những bông hoa tươi do người dân hái từ vườn nhà đến tặng. Tuy mộc mạc, nhưng đó là tình cảm nồng nhiệt và chân thành của bà con, nên Khôi An và các đồng đội rất trân trọng đón nhận.

Biểu diễn ca khúc “Dậy về thôi! Đồng đội ơi” của nhạc sĩ Xuân Thủy

Nhớ lần đến với xã đảo Thổ Châu, huyện đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang, tháng 1-2019. Từ bến Hà Tiên, tàu thủy chạy hơn 6 tiếng, biển động, cả đoàn đều say sóng. Tàu cập bến, người dân, bộ đội và các cháu học sinh hồ hởi ra đón, Khôi An và đồng đội bỗng quên hết mệt mỏi. Tối ấy, tại sân Trung đoàn 152, cả đoàn diễn mộc mà khán giả ngồi vây quanh cổ vũ nhiệt tình.

Quê ở huyện Chợ Lách, Bến Tre, từ nhỏ, Khôi An đã yêu thích các làn điệu dân ca. Đó là lý do mà cô chọn dòng nhạc trữ tình và dân ca miền Tây. Để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, Khôi An đã theo học 4 năm tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ. Tố chất để trở thành một ca sĩ, đầu tiên là năng khiếu, sau đó là sự rèn luyện không ngừng để ngày càng tiến bộ. Trên con đường âm nhạc, người ca sĩ phải ghi dấu ấn cá nhân để khán giả nhớ đến và đón nhận. Trước mỗi buổi biểu diễn, Khôi An luôn chú ý kiểm tra kỹ phục trang, nhẩm lại lời bài hát và giữ tâm thế tự tin nhất để mỗi khi bước ra sân khấu có cơ hội được cống hiến cho khán giả những phút giây thăng hoa nhất.

Lễ khánh thành Đền Hùng tại Cần Thơ (4-2022) và ca khúc “Việt Nam mến yêu"

Một ngày làm việc của Khôi An bắt đầu từ việc luyện thanh và tập ca khúc mới với dàn nhạc. Khi có chương trình hội diễn thì cường độ luyện tập phải cao hơn và tập trung nhiều. Ngoài những chương trình đã có kế hoạch trước, Đoàn thường có các chương trình đột xuất, xen kẽ…

Khôi An được hóa thân thành những nhân vật khác nhau như cô du kích trong ca khúc “Những cô gái Đồng bằng sông Cửu Long”, cô gái Khơme khi thể hiện nhạc phẩm “Chung một niềm vui” hay cô gái Chăm trong bài hát “Dệt lụa dưới trăng”... Giọng hát trữ tình ngọt ngào đã giúp Khôi An chạm vào trái tim của khán giả.

Cùng đồng nghiệp mừng ngày 8-3

Mới đây, Đại úy QNCN Hồ Thị Khôi An vinh dự được nhận bằng khen của Tổng cục Chính trị với thành tích xuất sắc trong tham gia, phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2024) và 35 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (1989-2024). Đam mê, nghiêm túc khi biểu diễn, trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống, mỗi ngày trôi qua đều là cơ hội để nữ ca sĩ trẻ học tập và rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp tục khẳng định giá trị và thành công trên con đường nghệ thuật mà mình đã lựa chọn.

BÀI VIẾT NỔI BẬT