GIEO MÙA VÀNG TRÊN NÚI
GIEO MÙA VÀNG TRÊN NÚI
Dân ca H’Mông có câu: “Nơi ở của người H’Mông cheo leo núi cao. Tay với đến mặt trời, mặt trăng, gần chân mây. Nơi mà từ những kẽ đá cũng mọc ra hạt ngô căng mẩy. Nơi mà khó khăn mọi người vẫn vui cười, vui hát...”. Thiếu tá Mùa A Lồng và vợ anh, chị Hảng Thị Xúa ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Vụ mùa năm nay, những ruộng lúa bậc thang óng vàng, hạt thóc tròn mẩy. Được mùa không chỉ mang đến cho gia đình anh Lồng sự ấm no mà còn thắp lên niềm hy vọng về cuộc sống ngày một khởi sắc trên quê hương.
Từ sáng sớm, khi mặt trời vừa chui ra khỏi màn sương thì chị Xúa đã mang một gùi rau về nấu cám cho lợn. Anh chị có 2 con, cháu Mùa Thị Chu đang học lớp 10 ở trường PTTH Mù Cang Chải; con trai Mùa A Hồng học lớp 8 ở thị trấn, một buổi đi học, buổi ở nhà đỡ mẹ.
Mùa A Lồng có 22 năm trong quân ngũ. Ngày ấy, khi có giấy gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự của xã, anh Lồng lên đường. Anh gắn bó với quân đội đến tận bây giờ. Trải qua nhiều đơn vị công tác, có lúc đóng cách nhà đến gần 200km nhưng ở đâu, anh Lồng cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tháng 12-2017, anh chuyển công tác về Ban CHQS huyện Mù Cang Chải. Là trợ lý chính trị, anh Lồng đã tham mưu giúp cấp trên quy tập được 2 mộ liệt sĩ kháng chiến chống Pháp về nghĩa trang.
Cơ quan quân sự huyện có trách nhiệm giúp người dân trên địa bàn ổn định cuộc sống lâu dài. Và anh Lồng không nhớ mình đã có bao nhiêu chuyến hỗ trợ người dân, chuyến công tác nào cũng có kỷ niệm đáng nhớ, nhưng dịp đến tặng quà cho các cháu ở điểm trường mầm non để lại trong anh nhiều cảm xúc nhất. Chuyển về công tác tại địa phương là để có điều kiện được gần gia đình, chăm lo cho con cái ăn học, trưởng thành. Đồng hành cùng con trong học tập là cách hiệu quả giúp con củng cố kiến thức và gắn kết tình cảm cha con. Cả lớp chỉ có mình A Hồng là con bộ đội nên em rất tự hào và cố gắng học tập để sau này tiếp bước con đường của bố.
Ngày anh Lồng công tác ở Bộ CHQS tỉnh Yên Bái, ít có thời gian quan tâm, chăm sóc chị Xúa. Nhưng người H’Mông quan niệm: “Đôi ta dù ai xấu, đẹp trăm chiều/Đã nói yêu, một dạ cứ yêu...”. Sau 1 năm tìm hiểu, đám cưới của hai người diễn ra theo phong tục của người H’Mông. Họ hàng người thân đến đông lắm, lần đầu tiên trong bản có chú rể là bộ đội.
Từ khi thành đôi lứa, chị Xúa quen với việc chồng luôn đi xa. Nhiệm vụ của anh Lồng luôn bận rộn và cần nhiều nỗ lực. Chính sự ủng hộ, động viên của vợ con là động lực giúp anh vững vàng, tiếp tục phấn đấu không ngừng để xây dựng đơn vị và giúp đỡ người dân quê hương thay đổi nhận thức, thay đổi cuộc sống.
Lúa đã trĩu bông! Mùa A Lồng tranh thủ ngày cuối tuần về nhà cùng vợ con thu hoạch. Để gặt xong thửa ruộng này phải mất hơn nửa ngày, nhưng cả nhà chưa làm việc ngay mà tranh thủ ngắm nhìn thành quả lao động suốt nửa năm trời cố gắng của chị Xúa và gửi gắm ước mơ vào mùa sau.
Bài và ảnh: MINH GIANG