DƯỚI MÁI TRƯỜNG THÔNG TIN
DƯỚI MÁI TRƯỜNG THÔNG TIN
Bài và ảnh: PHẠM GIANG
Đội thi Olympic tiếng Anh của Trường Sĩ quan Thông tin đoạt giải Nhì toàn đoàn trong Hội thi Olympic tiếng Anh các học viện, nhà trường, đại học toàn quân năm 2024. Người hướng dẫn đội thi Olympic của trường là Trung tá Ngô Thị Thùy Dương - Phó Chủ nhiệm Khoa Cơ bản. Chị truyền tình yêu và đam mê với bộ môn tiếng Anh tới học viên và các đồng nghiệp trẻ của khoa, góp phần nâng cao kết quả đánh giá học ngoại ngữ của học viên các khóa đào tạo của Nhà trường.

Bộ môn Ngoại ngữ xác định nhiệm vụ trọng tâm là bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy và học. Để làm được điều này, chỉ huy Khoa Cơ bản tập trung đổi mới giáo trình, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và phương thức kiểm tra, đánh giá. Với riêng Bộ môn, Trung tá Ngô Thị Thùy Dương khuyến khích đồng nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy, thử nghiệm và áp dụng mô hình lớp học trực tuyến kết hợp trực tiếp, từ đó giúp người học chủ động, tích cực hơn trong học tập và phát huy năng lực của bản thân. Triển khai nhiều hoạt động để giảng viên phát huy được năng lực của mình, với môn tiếng Anh dạy học theo hình thức E-Learning.

Đây là hệ thống học liệu trực tuyến bằng tiếng Anh do chị Thùy Dương lên ý tưởng, cùng với giảng viên Tổ bộ môn Ngoại ngữ thực hiện. Giáo trình được tổ chức và phân quyền theo chức năng nhiệm vụ của người sử dụng. Giảng viên xây dựng nội dung khóa học, quản lý kết quả, quá trình học tập và tương tác với người học thông qua diễn đàn hoặc ứng dụng Chat. Cán bộ quản lý giám sát quá trình học tập và kết quả học tập của học viên đơn vị mình. Còn học viên tham gia vào khóa học do giảng viên phụ trách hoặc có thể tự đăng ký vào khóa học mở để tự học, tự đánh quá trình học tập. Học viên cũng có thể đặt các câu hỏi đối với giảng viên hay trao đổi các nội dung có liên quan thông qua diễn đàn.
Việc xây dựng học liệu trực tuyến trên hệ thống thường đòi hỏi giảng viên phải có trình độ về CNTT, đây là vấn đề mà nhiều người còn ngần ngại khai thác. Đối với E-Learning, giảng viên chỉ cần sao chép nội dung vào tập tin mẫu được cung cấp sau đó thực hiện các bước cập nhật lên hệ thống rất nhanh chóng và chính xác. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cũng dễ dàng hơn rất nhiều, giảng viên không mất nhiều thời gian để tính toán ma trận câu hỏi bởi hệ thống đã thực hiện điều này một cách tự động. Qua hệ thống này người học có thể tự đăng ký tài khoản, tự ghi danh vào khóa học và tự kiểm tra theo dõi quá trình học tập của mình. Chính những yếu tố này đã tạo ra một môi trường học tập sinh động, mới mẻ và hứng khởi.

Cô giáo Thùy Dương luôn theo sát quá trình sản xuất nội dung cho hệ thống học liệu số. Không chỉ vậy, bên cạnh việc hướng dẫn cho các đồng nghiệp trẻ trong khoa, chị còn chủ động tham gia xây dựng hệ thống, thiết kế và ghi hình bài giảng. Dưới dạng clip, các bài giảng do chị thiết kế đều mới mẻ, sáng tạo, dễ tiếp thu, giúp cho học viên tiếp cận kiến thức một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Trên giảng đường, để có được sự tự tin, phong thái giảng bài đầy cuốn hút là cả một quá trình tự trau dồi, rèn luyện một cách nghiêm túc, cũng là kết quả của nhiều giờ giảng thử, thông qua bài giảng của chị Thùy Dương. Trước đây, chị đã có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tại các trường dân sự. Ở môi trường mới, chị tự tin và tâm huyết, mang hết khả năng và kinh nghiệm đã có để hỗ trợ các sĩ quan tương lai đi đến thành công trong hành trình tìm kiếm tri thức. Những trò chơi kết hợp học, ôn bài được chị Thùy Dương tổ chức thường xuyên. Lớp học được chia thành các nhóm nhỏ từ 5-6 học viên, thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên, kịp thời điều chỉnh, phát huy tốt nhất kỹ năng của người học.

Cách làm của cô giáo Thùy Dương cùng các giảng viên Bộ môn đã giúp tăng cường hoạt động của các Câu lạc bộ (CLB). Các tiểu đoàn quản lý học viên thành lập các CLB tiếng Anh có quy chế và kế hoạch hoạt động rõ ràng, phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ. Hoạt động CLB tổ chức định kỳ hằng tháng và tăng cường vào các đợt thi đua với nhiều nội dung, hình thức. Dưới sự hướng dẫn của khoa, các tiểu đoàn chủ động xây dựng, triển khai các hoạt động khác nhau nhưng có điểm chung là sáng tạo, năng động. Đây là một sân chơi bổ ích, thiết thực mang lại cho người học một môi trường học tập và vui chơi lành mạnh, giúp ôn luyện kiến thức, phát huy tính chủ động, tự tin, từng bước hoàn thiện năng lực bản thân. Cũng chính từ các CLB này mà Nhà trường phát hiện và tuyển chọn các nhân tố cho Đội thi Olympic tiếng Anh.
Với tất cả tình yêu nghề và tâm huyết, Trung tá Ngô Thị Thùy Dương đã truyền cho học viên sự đam mê với bộ môn tiếng Anh, nâng cao năng lực ngoại ngữ, phát huy tính sáng tạo trong nghiên cứu, tiếp cận tài liệu một cách đầy đủ, chính xác và khai thác, sử dụng hiệu quả các loại trang thiết bị, khí tài thông tin quân sự, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại và hội nhập quốc tế.